Phú Thọ: Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững

BVR&MT – Với diện tích đất lâm nghiệp chiếm đến trên 55% tổng diện tích đất tự nhiên, trong những năm qua, tỉnh có nhiều chính sách nhằm phát triển lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật theo hướng hiện đại, đẩy mạnh liên kết sản xuất từ trồng, bảo vệ, sử dụng rừng đến chế biến gỗ và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng bền vững.

Lực lượng kiểm lâm tuyên truyền, vận động bà con nhân dân xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn chuyển hóa rừng trồng gỗ lớn cho giá trị kinh tế cao.

Là một trong những địa phương có diện tích đồi rừng lớn, những năm qua, huyện Thanh Sơn có nhiều giải pháp đưa kinh tế đồi rừng trở thành ngành kinh tế chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện tại, huyện đã chuyển đổi được gần 2.000ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Để đảm bảo chuyển đổi trồng rừng gỗ lớn, cũng như chỉ tiêu trồng rừng hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể giao cho Hạt Kiểm lâm và các phòng ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các xã trên địa bàn làm tốt công tác tuyên truyền hướng dẫn bà con nhân dân trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng để cây phát triển tốt và hình thành rừng cây gỗ lớn.

Toàn huyện có gần 44 nghìn ha diện tích rừng (trong đó rừng sản xuất trên 31 nghìn ha, rừng phòng hộ trên 11 nghìn ha), độ che phủ rừng đạt 50%, năng suất rừng trồng bình quân đạt 70m3/ha/chu kỳ. Sản lượng gỗ khai thác đạt 169.740 m3/năm. Do đó phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh của huyện, đem lại nguồn lợi lớn về giá trị kinh tế, cải thiện đời sống cho bà con nhân dân. Trên địa bàn huyện có 120 công ty, cơ sở, hợp tác xã chế biến gỗ, làng nghề mộc và hợp tác xã, làng nghề chè góp phần tiêu thụ sản phẩm, tăng giá trị sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho người dân. Đồng chí Đinh Thị Kiều An – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện sẽ tập trung có hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa nội lực và nhất là sự đồng thuận của nhân dân chuyển dần tập quán canh tác từ quảng canh sang thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; tạo việc làm, tăng thu nhập; đồng thời gắn phát triển kinh tế đồi rừng với phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Không riêng chỉ Thanh Sơn, các huyện có diện tích đất lâm nghiệp nhiều như: Yên Lập, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa cũng đã tập trung thúc đẩy phát triển rừng sản xuất theo hướng tối canh, trồng mới, chuyển hóa rừng gỗ lớn, mở rộng diện tích được cấp chứng chỉ rừng bền vững… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, năng suất rừng trồng bình quân đạt 15m3/ha; các chỉ tiêu về bảo vệ và phát triển rừng hàng năm đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Những năm gần đây, toàn tỉnh đã trồng mới trên 59 nghìn ha rừng tập trung; trong đó có gần 10 nghìn ha rừng gỗ lớn; sản lượng gỗ rừng trồng khai thác tăng khá qua các năm, đến năm 2021 sản lượng khai thác đạt 700 nghìn m3. Công tác quản lý, quy hoạch ba loại rừng được chú trọng, đảm bảo tuân thủ các quy định của luật hiện hành, qua đó diện tích rừng trên địa bàn tỉnh được bảo vệ, khai thác sử dụng có hiệu quả và phát triển bền vững, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; diện tích rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc biệt được quản lý bảo vệ chặt chẽ, diện tích rừng được bảo vệ hàng năm đạt bình quân 36,8 nghìn ha; tỷ lệ che phủ rừng khoảng 40%. Công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường; các hành vi vi phạm quy định của luật về quản lý bảo vệ và phát triển rừng giảm cả về số vụ vi phạm và mức độ thiệt hại; từng bước khai thác và phát huy giá trị rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái và cung ứng dịch vụ môi trường rừng, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Lực lượng kiểm lâm hướng dẫn bà con nhân dân trong việc chăm sóc và bảo vệ rừng để cây phát triển tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại như: Công tác quản lý rừng theo quy định còn hạn chế; năng suất, chất lượng, giá trị rừng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh; diện rừng trồng cây gỗ lớn, rừng sản xuất được cấp bằng chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn thấp; liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu và cơ sở chế biến thiếu chặt chẽ; tình trạng vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng vẫn còn xảy ra ở một số địa phương…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, đồng thời tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 3929/KH-UBND về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Cụ thể hóa các chủ trương, định hướng, chiến lược về phát triển lâm nghiệp của Trung ương, của tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tiễn; tạo sự thống nhất về quan điểm, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực trong tổ chức triển khai thực hiện nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng, lợi thế và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp bình quân tăng 3,3%/năm; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng 1,5 lần trên đơn vị diện tích so với năm 2021; trồng mới rừng tập trung bình quân 9,15 nghìn ha/năm; trồng cây xanh phân tán 10,1 triệu cây, bình quân hai triệu cây/năm; đảm bảo giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 38,8%…