Phú Thọ: Ngành Nông nghiệp nửa nhiệm kỳ vượt khó

BVR&MT – Sau gần ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, ngành Nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được những kết quả tích cực. Tốc độ phát triển ngành duy trì tăng trưởng khá, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh. Một số chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu đến năm 2025; sản xuất có sự chuyển dịch mạnh mẽ, quan tâm phát triển theo chiều sâu, giảm quy mô nhưng tăng chất lượng giá trị của sản phẩm nông sản.

Nửa cuối nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu triển khai hiệu quả cấp mã số vùng trồng cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh như chè, bưởi, chuối… hướng tới xuất khẩu.

Những dấu ấn tích cực

Mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, đề ra với ngành Nông nghiệp được triển khai thực hiện trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy đã cơ bản được khống chế song vẫn còn nguy cơ tái bùng phát; giá vật tư nông nghiệp, nguyên liệu, thức ăn chăn nuôi… liên tục leo thang; đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã khiến cho việc tiêu thụ nông sản gần như bị đình trệ, quy mô sản xuất giảm, nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đứng trên bờ vực phá sản… Trước tình hình ấy, nhằm khắc phục các khó khăn, ngành Nông nghiệp vẫn tích cực thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế” để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Ngành đã chủ động tham mưu xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tích cực, chủ động tham mưu các phương án quy hoạch lĩnh vực nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh, Chương trình, Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ngành đã phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện cơ cấu lại cây trồng phù hợp với lợi thế của từng vùng, địa phương; chú trọng chuyển đổi, mở rộng một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên cơ sở thị trường và lợi thế cạnh tranh; phát triển các cây trồng có lợi thế, đặc trưng của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 166 vùng sản xuất bưởi tập trung với tổng diện tích 2,69 nghìn ha, 70 vùng sản xuất chè tập trung với diện tích 5,8 nghìn ha, 33 vùng sản xuất chuối tập trung với diện tích đạt 1.079ha, 157 vùng trồng lúa chất lượng cao tập trung với tổng diện tích 11,3 nghìn ha; đã thực hiện thiết lập, cấp, quản lý được 52 mã số cho 43 vùng trồng với tổng diện tích 1.630,1ha (phục vụ xuất khẩu có 27 mã với diện tích 664,31ha, nội tiêu có 25 mã với diện tích 967,4ha) và một mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu.

Chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét theo hướng tăng quy mô trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi quy mô tập trung. Dự kiến đến cuối năm 2023, tổng đàn trâu đạt 53,5 nghìn con, đạt 110,6% so với mục tiêu đến năm 2025; đàn bò có 102 nghìn con, đạt 87,2% so với mục tiêu đến năm 2025; đàn lợn khoảng 741 nghìn con, đạt 97,5% so với mục tiêu đến năm 2025; tổng đàn gia cầm đạt 15,5 triệu con, đạt 103,3% so với mục tiêu đến năm 2025. Sản lượng thịt hơi các loại 207,7 nghìn tấn, đạt 90,7% so với mục tiêu đến năm 2025. Trong đó có 572 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô gần 280 nghìn con, 402 trang trại chăn nuôi gà với quy mô 4,98 triệu con, 103 trang trại chăn nuôi trâu bò với quy mô 4,7 nghìn con.

Đối với sản xuất lâm nghiệp, diện tích trồng rừng tập trung bình quân đạt 9,3 nghìn ha/năm, đạt 102,1% so với mục tiêu đến năm 2025. Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với tổng diện tích ước đạt 23,8 nghìn ha, đạt 68% so với mục tiêu đến năm 2025; tổng sản lượng gỗ khai thác đạt 750 nghìn m3, đạt 92,6% mục tiêu đến năm 2025.

Thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững; tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm thủy sản bản địa, thủy sản đặc sản có lợi thế của từng vùng, địa phương. Dự kiến đến hết năm 2023 tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 11,2 nghìn ha, nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa ước đạt 1.865 lồng, tổng sản lượng thuỷ sản đạt 43,7 nghìn tấn, đạt 97,1% so với mục tiêu…

Các lĩnh vựcchăn nuôi, thủy sản… sẽ tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh gắn với nhu cầu thị trường.

Tập trung đi vào chiều sâu

Xác định từ nay đến cuối nhiệm kỳ, sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành đã xác định được các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và định hướng vùng phát triển hàng hóa theo từng vùng, địa phương; các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, liên kết sản xuất hàng hóa đang dần hình thành và phát triển; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới được ứng dụng rộng rãi; nhiều chương trình, kế hoạch, chính sách hỗ trợ nông nghiệp được triển khai đã phát huy hiệu quả, là cơ sở để nâng cao giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp. Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đã và đang tiếp tục được đầu tư để đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Đó là điều kiện thuận lợi để ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Nhằm đạt được mục tiêu đó, ngành tiếp tục khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với lợi thế từng vùng và nhu cầu thị trường; đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến; tích tụ, tập trung đất đai phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, sản xuất theo hướng an toàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn… góp phần nâng cao năng suất, chất lượng giá trị sản phẩm. Xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch cấp mã số vùng trồng hướng tới mục tiêu xuất khẩu đến năm 2025 có 179 mã vùng trồng chè với diện tích sáu nghìn ha, 222 mã vùng trồng bưởi với diện tích ba nghìn ha, 70 mã số vùng trồng chuối với diện tích một nghìn ha, 150 mã số vùng trồng rau với diện tích 890ha.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa, chiếm tỉ trọng cao. Cơ cấu lại các đàn vật nuôi, bố trí quỹ đất phát triển chăn nuôi phù hợp với quy định về mật độ chăn nuôi và khu vực không được phép chăn nuôi, quy hoạch phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường, phòng tránh dịch bệnh. Đến năm 2025, chăn nuôi đặt mục tiêu duy trì quy mô đàn lợn khoảng 760 nghìn con, tăng tỉ lệ chăn nuôi trang trại tập trung đạt 50% tổng đàn; tổng đàn gà 13,5 triệu con, tăng tỉ lệ chăn nuôi trang trại tập trung đạt trên 45% tổng đàn; xây dựng 2-3 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với các loại vật nuôi chủ lực đối với lợn, gà. Thủy sản tập trung theo hướng đầu tư thâm canh, phát triển cá lồng và cá nuôi trong các hồ chứa, ao đầm nhằm giảm thiểu tác hại do thiên tai gây ra.

Tiếp tục trồng, chuyển hóa rừng cây gỗ lớn ở những nơi có điều kiện, phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích rừng cây gỗ lớn khoảng 20 nghìn ha, trong đó vùng sản xuất tập trung 10 nghìn ha gắn với doanh nghiệp chế biến sâu sản phẩm gỗ hướng tới xuất khẩu; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 35 nghìn ha, phát triển sản phẩm dược liệu và lâm sản ngoài gỗ để nâng cao hiệu quả rừng trồng…

Đồng chí Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, nửa cuối nhiệm kỳ, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản, các kế hoạch chuyên ngành giai đoạn 2021-2025; phối hợp với các địa phương để tập trung chỉ đạo, bố trí nguồn lực phát triển theo các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, có lợi thế của tỉnh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn lực đầu tư, tăng thu nhập, đời sống của người dân, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đến năm 2025.