Phú Thọ: Nâng cao giá trị, khẳng định thương hiệu hồng không hạt Gia Thanh

BVR&MT – Nói đến những đặc sản của vùng Đất Tổ, chắc chắn nhiều người nhớ đến hồng không hạt Gia Thanh của xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh. Nhờ cây hồng, hàng trăm hộ ở Gia Thanh đã có của ăn của để, trở thành hộ khá giả. Nhằm bảo tồn và phát triển thương hiệu đặc sản hồng không hạt Gia Thanh, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo huyện Phù Ninh và các ngành liên quan thực hiện điều tra khảo sát đất đai, điều kiện tự nhiên để quy hoạch phát triển vùng sản xuất hồng tập trung quy mô lớn. Từ đó, xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng hồng.

Ông Hán Kim Vân ở xã Gia Thanh thu hoạch hồng.

Khẳng định thương hiệu đặc sản

Hồng không hạt Gia Thanh là giống hồng ngâm không hạt quả to, hình thức đẹp, có 4 cạnh hình vuông, quả dài, nếu cắt ngang có hình như bông hoa tám cánh ở giữa, vốn là dấu vết của hạt. Quả hồng có màu xanh vàng, khi chín ngả hẳn sang màu vàng pha sắc đỏ, ăn giòn, vị ngọt đậm. Hồng Gia Thanh ngon nhất là những cây được trồng ở khu xóm Đa, khi chín bổ ra có màu vàng óng ả; mặt cắt ánh lên những hạt đường cát nhỏ. Xưa kia, loại quả này được là một trong những sản vật để tiến vua, còn ngày nay đã trở thành món quả đặc sản nổi tiếng khắp miền Bắc, có mặt trong mâm ngũ quả Tết Trung thu của nhiều gia đình. Có thể nói, đây chính là cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay tại địa phương, vì vậy những năm gần đây, tỉnh Phú Thọ, huyện Phù Ninh quan tâm đến việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho giống quả đặc sản này. Năm 2017, UBND huyện Phù Ninh đã triển khai thực hiện dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Hồng không hạt Gia Thanh”. Năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Hồng không hạt Gia Thanh” cho loại quả này, cấp phép sử dụng nhãn hiệu tập thể cho 159 hộ gia đình trồng hồng xã Gia Thanh.

Đến nay, toàn huyện Phù Ninh có trên 125ha hồng, trong đó diện tích đã cho thu hoạch trên 84ha. Riêng xã Gia Thanh có khoảng hơn 70 ha, trong đó gần 50ha cho thu hoạch, cây hồng cũng được trồng rải rác ở các xã khác như: Tiên Du, Trung Giáp, Phù Ninh, Bảo Thanh, Phú Nham… Khoảng 3/4 diện tích hồng hiện nay có tuổi đời trên 10 năm, có những cây có tuổi đời từ 40-50 năm. Cây khoảng 10 tuổi, năng suất bình quân đạt khoảng 1,4-1,5 tạ/cây. Đặc biệt, cây hồng tuổi đời từ 30 năm trở lên, tán rộng, cho năng suất có thể lên đến gần 4 tạ/cây.

Ông Hán Văn Khanh – Giám đốc HTX Hồng Gia Thanh cho biết: Năm 2020, sản lượng hồng của riêng xã Gia Thanh đạt trên 700 tấn. Với giá bán từ 35.000 – 60.000 đồng/kg, nhiều hộ trong xã có thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm từ hồng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, có mưa to đúng thời điểm hồng thụ phấn, kết quả nên sản lượng hồng trong xã năm nay giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 250 tấn nhưng giá thành vẫn giữ ổn định. Từ khi hồng Gia Thanh được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh hỗ trợ trong việc nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc và bao bì, hộp đựng hồng đã giúp mở rộng thị trường của hồng Gia Thanh ra ngoại tỉnh. Chúng tôi đang triển khai xây dựng chương trình phát triển cây hồng theo hướng VietGAP. Trước mắt, có 74 hộ được phân thành sáu nhóm, thực hành tốt việc ghi nhật ký trong các khâu như chăm sóc, thu hoạch. Các hộ cũng được cấp tem nhãn để dán vào sản phẩm, túi đựng để tránh tình trạng “nhái” hồng Gia Thanh với các loại hồng khác.

Để trở thành “của để dành” cho mai sau

Khi được hỏi về hiệu quả của cây hồng không hạt, Bà Hán Thị Thơm ở khu Đa, xã Gia Thanh chia sẻ: “Năm ngoái, 13 gốc hồng của gia đình cho thu hoạch gần ba tấn quả, bán được gần 80 triệu đồng; trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng. Mấy năm nay, nhờ cây hồng mà gia đình tôi đã sửa sang được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt để phục vụ cuộc sống. Người trồng hồng Gia Thanh chúng tôi coi vườn hồng của mình thành “của để dành” cho con cháu bởi cây hồng có tuổi đời lâu dài, có tới vài chục năm thu hoạch, tuổi cây càng cao chất lượng quả càng ngon”.

Để hồng Gia Thanh nâng cao giá trị, phát triển bền vững, tỉnh và huyện cũng đã định hướng xây dựng, phát triển vùng trồng hồng Gia Thanh theo hướng hàng hóa, theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong quá trình xây dựng thương hiệu cho hồng Gia Thanh, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có những giải pháp hỗ trợ hữu hiệu như hoàn thành việc cấp mã vạch cho từng hộ, có tem truy xuất nguồn gốc, hộp giấy đựng, tiến tới hoàn thành chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hồng đặc sản Gia Thanh.

Đồng chí Hán Xuân Đang – Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh cho biết: “Tiềm năng về phát triển hồng ở địa phương là khá lớn do nhiều diện tích vườn tạp, đất đồi rừng trồng bạch đàn kém hiệu quả chưa được khai thác triệt để. Cấp ủy và chính quyền địa phương đang nỗ lực vận động bà con đẩy mạnh cải tạo vườn tạp và loại bỏ cây bạch đàn để chuyển sang trồng hồng vì vừa dễ chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao, có giá trị lâu dài. Xã cũng đã quyết định thành lập HTX Hồng Gia Thanh để thống nhất các hộ trồng hồng nhằm thuận tiện trong quy chuẩn đầu vào, đầu ra cho sản phẩm để bảo vệ thương hiệu hồng Gia Thanh. Hiện nay, người dân rất mong được hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng xây dựng hệ thống nước tưới sạch đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, có sự nghiên cứu để tăng thời gian bảo quản cây hồng, hướng tới việc tiêu thụ ở các thị trường phía Nam và trong tương lai có thể xuất khẩu”.

Nói về hướng phát triển cây hồng đặc sản trong thời gian tới trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Phúc Suyên – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phù Ninh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, những năm qua, huyện Phù Ninh đã xây dựng mô hình trồng, thâm canh hồng không hạt Gia Thanh trên đất đồi dốc; tập huấn kỹ thuật cho các hộ nông dân; tuyển chọn cây hồng ưu tú; xây dựng vườn ươm, phân tích mẫu đất, mẫu quả, hệ thống bơm cấp nước tưới, cách trồng, chăm sóc, bảo đảm các yếu tố chống rửa trôi, xói mòn, bảo vệ đất đai…; xây dựng chính sách hỗ trợ giá giống, kỹ thuật chăm sóc cho những hộ trồng mới, quy mô lớn. Đồng thời, huyện tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai tuyển chọn những cây hồng giống ưu tú, cây đầu dòng và xây dựng chính sách để giữ gìn bảo vệ làm nguồn giống cung cấp lâu dài cho sản xuất, đặc biệt là phân phối giống cho những xã khác có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp để mở rộng diện tích trồng hồng. Huyện cũng đang đẩy mạnh hoàn thiện các tiêu chí để sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh được cấp chứng chỉ OCOP mức 4 sao trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện để mở rộng thị trường và nâng cao giá trị, giá thành cho cây hồng.