Phú Thọ: Kiểm tra việc thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp tại huyện Tân Sơn

BVR&MT – Ngày 23/2, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Nguyễn Thanh Hải – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra việc thực hiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Tân Sơn. 
Đánh giá mô hình trồng cây quế thương phẩm ở xã Thạch Kiệt.

Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra thực tế mô hình chuyển hóa rừng gỗ lớn tại xã Thu Cúc; mô hình trồng quế tại xã Thạch Kiệt và mô hình nôi gà nhiều cựa tại xã Tân Phú.

Theo đánh giá của huyện: Sau hơn hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn, huyện Tân Sơn đã cụ thể hóa thành kế hoạch riêng cho từng nội dung  để triển khai thực hiện đạt được hiệu quả cao nhất. Trên địa bàn huyện hiện có một HTX, 13 trang trại và 62 hộ gia đình được hưởng hỗ trợ từ chương trình với tổng kinh phí trên 2,6 tỉ đồng. Các lĩnh vực được hỗ trợ tập trung vào sản xuất chè; phát triển rừng sản xuất, chuyển hóa rừng gỗ lớn; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Theo đánh giá, các mô hình đã bước đầu phát huy được hiệu quả hỗ trợ, tuy nhiên vẫn cần được cơ quan chuyên môn các cấp hỗ trợ thêm vể kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, chế biến, bảo quản…
Kiểm tra dự án nuôi gà nhiều cựa tại xã Tân Phú.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của huyện Tân Sơn trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo bước chuyển biến trong nhận thức của người dân trong phát triển nông nghiệp; có những sản phẩm tốt hơn. Đồng chí nhấn mạnh: Thời gian tới, huyện cần chủ động xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết 22/HĐND tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù theo chuỗi liên kết để tập trung chỉ đạo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hải yêu cầu Sở NN và PTNT, các sở ngành của tỉnh phối hợp tốt với huyện để hướng dẫn cụ thể việc triển khai thực hiện Nghị quyết 22; lựa chọn đối tượng hỗ trợ có trình độ, tiềm lực, nhiệt huyết để chính sách hỗ trợ thực sự phát huy được hiệu quả, có thể nhân rộng. Các chính sách hỗ trợ cần lồng ghép vốn từ các chương trình, dự án để tiết kiệm chi phí và để đạt mục tiêu là xây dựng vùng sản xuất hàng hóa, hình thành chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị nông sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Đối với các kiến nghị của huyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan nghiên cứu và trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất.