Phú Thọ: Khai thác tiềm năng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập

BVR&MT – Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tìm nhiều giải pháp phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập, đồng thời huy động mọi nguồn lực để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới (NTM).

Mô hình trồng 30ha keo của gia đình ông Đặng Ngọc Thu (bên phải) ở khu 4, xã Ấm Hạ mỗi năm cho thu nhập từ 100-120 triệu đồng.

Xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng sẽ tạo bước đột phá về phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền xã đã chủ động đề ra các giải pháp để phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM. Trong năm, xã chỉ đạo sát sao từ chuẩn bị, cơ cấu giống, phân bón đến công tác chống hạn, chống úng, huy động các nguồn lực đảm bảo gieo cấy hết diện tích. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 280ha, tổng diện tích gieo cấy lúa 227ha, năng suất bình quân đạt 57,5 tạ/ha, ngô đạt 47 tạ/ha, rau màu đều đạt diện tích gieo trồng theo kế hoạch, cho năng suất cao.

Với tiềm năng, lợi thế đất lâm nghiệp, xã phối hợp với trung tâm, trường dạy nghề đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm. Cùng với đó, xã ưu tiên, tạo điều kiện cho các hộ nghèo tiếp cận các dự án trồng rừng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và huy động nguồn vốn tự có của nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp, cá nhân tham gia các mô hình trồng rừng tập trung, mô hình phát triển kinh tế trọng điểm. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp thông tin tuyên truyền, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, huy động vốn, tìm thị trường cho sản phẩm, không ngừng nâng cao công tác quản lý, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển kinh tế rừng. Hàng năm, xã trồng khoảng 9.000 cây phân tán, 40ha rừng tập trung. Từ rừng, đời sống của bà con được nâng lên, kinh tế từng bước phát triển theo hướng bền vững.

Là một trong những hộ tiên phong trong đầu tư vào trồng rừng ở xã, ông Đặng Ngọc Thu, khu 4 chia sẻ: “Trước đây, kinh tế của gia đình tôi còn khó khăn. Được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền cơ sở, tôi trồng trên 30ha rừng keo, khoảng sáu năm thu hoạch một lần, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Với nguồn thu nhập ổn định từ rừng đã giúp gia đình ổn định cuộc sống, xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm được các trang, thiết bị hiện đại”.

Cùng với phát triển rừng, nhận thấy nguồn thu từ cây chè ổn định, xã đã khuyến khích người dân phát triển cây chè với diện tích cho thu hoạch gần 20ha, năng suất đạt 120 tạ/ha, sản lượng đạt gần 200 tấn; phát triển trang trại tổng hợp, trồng rừng kết hợp chăn nuôi, trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế rất cao. Đặc biệt, xã phối hợp đơn vị chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng gần 20ha bưởi, đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư lồng ghép thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân yên tâm sản xuất.

Ở Ấm Hạ, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được cấp ủy Đảng, chính quyền xã quan tâm chỉ đạo sâu sát. Toàn xã có trên 20 công ty, doanh nghiệp chế biến lâm sản và 30 cơ sở sản xuất ván bóc, gỗ xẻ thanh, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập từ 4-9 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng như: Gia công cơ khí, sửa chữa ô tô, sản xuất đồ mộc, đồ dân dụng, may mặc và các ngành nghề phụ ngày càng phát triển. Nhờ phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo nên nội lực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đổi mới diện mạo nông thôn. Hiện, tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn 8,17%, thu nhập bình quân đạt 47 triệu đồng/người/năm.

Đồng chí Phạm Quốc Đại – Chủ tịch UBND xã Ấm Hạ cho biết: Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, phát triển giao thông và xây dựng kết cấu hạ tầng; khuyến khích phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, xã duy trì và thực hiện kế hoạch phát triển mạnh công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, Nghị quyết HĐND xã về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, gắn với cơ cấu đầu tư theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.