BVR&MT – Hoạt động trên địa bàn huyện có đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 80% dân số, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Lập tập trung vào chương trình cho đồng bào DTTS vay vốn. Nhờ 14 chương trình tín dụng đang được triển khai, nhiều gia đình chính sách, đồng bào DTTS đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đây là công cụ kinh tế quan trọng, hữu hiệu, cần tiếp tục được phát huy nhằm góp phần đạt được các mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Gia đình chị Phùng Thị Hà ở khu Minh Tiến, xã Đồng Thịnh là một trong những hộ gia đình được vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng dành cho đối tượng DTTS. Với số vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình chị đầu tư chăn nuôi bò sinh sản, tạo thu nhập từ chăn nuôi nên các con được học hành tiến bộ. Từ chỗ là hộ nghèo đến nay gia đình đã thoát nghèo và được tiếp cận thêm 50 triệu đồng vốn vay cho hộ mới thoát nghèo, tạo đà cho việc thoát nghèo bền vững.
Để nguồn vốn thực sự trở thành người bạn đồng hành của đồng bào DTTS, giúp cho nhiều hơn nữa những gia đình như gia đình chị Hà thoát nghèo bền vững, cán bộ tín dụng chính sách luôn bám sát cơ sở, phối hợp cùng các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xem xét, thẩm định kỹ, chính xác những trường hợp, hộ vay vốn gặp rủi ro do thiên tai dịch bệnh, để kịp thời đề nghị cấp có thẩm quyền cho áp dụng biện pháp xóa nợ, khoanh nợ, gia hạn nợ. Hơn thế, để giúp bà con tiếp cận với nguồn vốn vay thuận lợi, Ngân hàng CSXH còn phục vụ khách hàng tại điểm giao dịch đặt tại trụ sở của 17 UBND xã, thị trấn. Đến nay, ngoài chương trình tín dụng dành riêng cho đối tượng là người DTTS, các chương trình khác như: Cho vay hộ nghèo, học sinh sinh viên, sản xuất kinh doanh… đều có đối tượng vay là người DTTS. Đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ 14 chương trình tín dụng đang được triển khai đạt trên 485 tỉ đồng, số hộ khách hàng còn dư nợ trên 10.200 khách hàng, trong đó 80% là hộ đồng bào DTTS, bình quân dư nợ đạt 47,3 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, cán bộ tín dụng chính sách còn tích cực tuyên truyền, khuyến khích hộ vay vốn nêu cao ý thức hoàn trả vốn, nộp lãi đúng quy định. Nhờ vậy, tổng nợ xấu toàn huyện là 359 triệu đồng, chiếm 0,07% tổng dư nợ; trong đó có bốn xã không có nợ quá hạn là: Đồng Thịnh, Nga Hoàng, Mỹ Lung và Mỹ Lương.
Ông Trần Xuân Huế – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập cho biết: “Nguồn vốn TDCS đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS, từ mặc cảm, tự ti, nay bà con mạnh dạn vay vốn làm ăn có hiệu quả, dần nâng cao chất lượng cuộc sống và trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng khác ở địa phương”.
Có thể khẳng định, công cuộc thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Yên Lập được thực hiện nhờ “bà đỡ” là Ngân hàng CSXH, các chương trình cho vay đã đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội, ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Đặc biệt, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giúp đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chung sức xây dựng, phát triển quê hương.