Phú Thọ: Hiệu quả giảm nghèo ở Yên Lập

BVR&MT – Với trên 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, huyện Yên Lập đã căn cứ tình hình thực tế, triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ các chủ trương đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng đến những nguồn vốn vay ưu đãi; chính sách hỗ trợ cây, con giống, thiết bị, vật tư nông nghiệp… được trao đến tay hộ nghèo, cận nghèo đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực.

Thông qua công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp, nông dân xã Mỹ Lung mạnh dạn thử nghiệm giống dưa chuột Nhật Bản, bước đầu cho năng suất, chất lượng, hiệu quả tốt.

Giai đoạn 2016 -2020 tổng nguồn vốn các chương trình giảm nghèo tại huyện Yên Lập đạt trên 71,5 tỉ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, xây dựng mới, duy tu, bảo dưỡng gần 100 công trình hạ tầng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, tạo thuận lợi cho các hoạt động lưu thông hàng hóa, phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, đưa 11/12 xã ra khỏi danh sách đặc biệt khó khăn và 4/5 xã hoàn thành Chương trình 135. Bên cạnh đó, huyện đã huy động gần 15 tỉ đồng hỗ trợ sinh kế cho người nghèo thông qua mô hình chăn nuôi trâu, bò; lợn nái, lợn thịt; gia cầm; hỗ trợ 100 chiếc máy cày, bừa; 1.487 chiếc máy phun thuốc trừ sâu động cơ, bình phun thuốc ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật cùng các loại máy nghiền thức ăn gia súc, máy sàng lọc tấm, máy cắt cỏ, bơm nước… cho trên 7.500 hộ.

Tận dụng các nguồn hỗ trợ và vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi lợn, gà và dịch vụ xay sát ngay tại địa phương, hộ ông Bùi Văn Dũng ở khu Đồng Dứa, xã Nga Hoàng đã được công nhận thoát nghèo. Ông Dũng cho biết: “Cây, con giống được hỗ trợ; thiếu vốn được cho vay; cách làm được tập huấn cùng với sự động viên của các cấp, các ngành đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.

Thông qua triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ sản xuất cho người dân đặc biệt là các hộ nghèo, đã giúp họ giảm bớt khó khăn về nguồn vốn đầu tư, được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, áp dụng kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất, làm thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất cũ của người dân, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa tại địa bàn. Đến nay, qua điều tra hộ nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện chiếm 15,2% tương đương 3.819 hộ, hộ cận nghèo còn 2.381 hộ, tương đương 9,5%.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cùng với nỗ lực đảm bảo công tác phòng, chống dịch, huyện Yên Lập đã tích cực thực hiện các chế độ, chính sách trợ cấp đối với người có công với cách mạng, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội, trợ cấp hàng tháng cho trên 4.000 đối tượng, tổng số tiền trên 20 tỉ đồng. Cũng trong năm, huyện đã mở 27 lớp đào tạo nghề cho gần 900 lao động nông thôn; toàn huyện có 930 lao động có việc làm tăng thêm… Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu cho lãnh đạo Huyện ủy xây dựng Chương trình hành động về thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030” và Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 17/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác lao động, người có công và xã hội trong giai đoạn tới.

Các chương trình giảm nghèo và hỗ trợ kịp thời tại Yên Lập được triển khai phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân tham gia. Người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo đã có điểm tựa để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.