BVR&MT – Động vật hoang dã (ĐVHD) có vai trò, ý nghĩa to lớn đối với môi trường sinh thái, kinh tế – xã hội, góp phần tạo nên đa dạng sinh học, giữ được sự cân bằng trong tự nhiên. Thực hiện công tác quản lý, bảo tồn ĐVHD, thời gian qua, các cấp, ngành, lực lượng chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các cơ sở gây nuôi ĐVHD, thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, tái thả ĐVHD về môi trường tự nhiên.
Tăng cường quản lý
Bảo vệ động vật, thực vật quý, hiếm là một việc quan trọng trong bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường đang được thế giới và Việt Nam đặc biệt quan tâm. Có thể thấy, động vật, thực vật hoang dã không chỉ đơn giản là những loài sinh vật sinh sống trong tự nhiên mà đó còn là hệ sinh thái sống của toàn nhân loại.
Gấu ngựa là động vật rừng nhóm IB – Nhóm các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại được quy định tại Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động của cơ quan chức năng đã giúp các chủ cơ sở nuôi ĐVHD tự nguyện giao trả gấu ngựa cho Nhà nước, đồng thời yêu cầu các chủ nuôi ký cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định về quản lý hoạt động nuôi gấu, chuồng trại nuôi đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường; không sử dụng gấu nuôi vào mục đích chích, hút mật, không để gấu bị bỏ đói, rét hoặc ốm, chết không rõ nguyên nhân…
Gia đình ông Phí Mạnh Tân ở xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba đã nuôi gấu ngựa hơn chục năm nay. Ban đầu, gia đình ông nuôi hai cá thể gồm một gấu đực, một gấu cái. Sau đó gấu bố, mẹ đã sinh thêm ba gấu con. Được sự tuyên truyền, vận động của cán bộ Kiểm lâm, gia đình ông Tân có đơn tự nguyện trả hai cá thể gấu ngựa cho Nhà nước. Hai cá thể gấu ngựa này được chuyển tới Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam – Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cũng như gấu ngựa, cu li thuộc nhóm IB – Nhóm các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Nhờ sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, vận động sâu rộng đến người dân, cá thể cu li mà ông Lưu Kim Sinh ở xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê vớt được khi nước lũ trên sông Thao tràn về cách đây gần hai năm đã được ông tự nguyện giao nộp cho Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp quý hiếm – Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, UBND các huyện, thành, thị phổ biến, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tuyên truyền tới nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm; không săn bắt, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, bảo tồn các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm tới cộng đồng dân cư theo quy định. Đồng thời, xây dựng phương án phối hợp với các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định pháp luật về săn, bẫy, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên địa bàn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra
Thời gian qua, tình trạng buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Xác định việc bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc các phụ lục CITES là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn tăng cường quản lý, triển khai quyết liệt các giải pháp để phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã. Nhiều văn bản, chính sách mới của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp được tuyên truyền, phổ biến.
Căn cứ các văn bản, nghị định, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu UBND tỉnh xây dựng các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, việc thực hiện đã đi vào nền nếp với 264 cơ sở gây nuôi ĐVHD quý hiếm đã được cấp mã số, loài nuôi chủ yếu gồm: Rắn hổ mang, rắn ráo trâu, trăn gấm, cầy hương, cầy vòi hương, cầy vòi mốc,… Các cơ sở nuôi chấp hành đúng quy định của Nhà nước về chuồng trại, đảm bảo vệ sinh, an toàn và thực hiện theo dõi, ghi chép đầy đủ đầu vật nuôi. Việc gây nuôi sinh trưởng, sinh sản các loài này vừa giúp bảo tồn nguồn gen ĐVHD, vừa góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Bên cạnh các loài kể trên, địa bàn tỉnh hiện có 10 cá thể gấu. Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp vận động các chủ nuôi gấu tự nguyện chuyển giao về các trung tâm cứu hộ để gấu có cuộc sống gần với thiên nhiên; thường xuyên kiểm tra, quản lý chặt chẽ, đảm bảo số gấu nuôi nhân đạo đến lúc cá thể gấu chết. Ngoài những loài nuôi nhốt, theo số liệu thống kê tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đang hiện hữu khoảng 50 loài ĐVHD quý hiếm, trong đó điển hình là sơn dương, sóc bay lông tai, trăn đất… đây là nguồn tài nguyên quý, là di sản của Vườn Quốc gia. Những nguồn gen động vật quý hiếm này có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao, cần đưa vào danh mục các loài được ưu tiên bảo tồn theo Luật Đa dạng sinh học.
Hàng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều mở lớp tuyên truyền, tập huấn về công tác bảo tồn thiên nhiên cho các chủ cơ sở nuôi ĐVHD, lực lượng Kiểm lâm địa bàn; tích cực kiểm tra định kỳ, đột xuất các cơ sở gây nuôi ĐVHD. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển động, thực vật hoang dã từ tự nhiên.
Đồng chí Trần Quang Đông- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển các loài ĐVHD trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; trong đó đã cấp, quản lý tốt 264 giấy chứng nhận, mã số cơ sở nuôi các loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; quản lý thông qua gắn chíp điện tử đối với 10 cá thể gấu ngựa; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD; vận động các hộ gia đình, nhà hàng, cá nhân ký cam kết không mua bán, tiêu thụ các loài động vật, chim hoang dã. Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã xử lý 13 vụ việc vi phạm, tang vật tịch thu 104,3kg với 1.692 cá thể, riêng đối với các loài chim hoang dã đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, truy quét, tịch thu tang vật và thả về tự nhiên hàng trăm con chim mồi… tạo lòng tin đối với người dân trong việc quản lý, bảo vệ ĐVHD”.
Nhiều năm qua, tỉnh đã làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, không có điểm nóng về các vụ khai thác, buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã. Tuy nhiên, trước tình hình những vụ vi phạm về động, thực vật hoang dã ngày càng tinh vi, phức tạp đòi hỏi sự chung tay vào cuộc nỗ lực, quyết liệt hơn nữa của cả xã hội và cộng đồng.