Phú Thọ: Cho Xuân thêm xanh

BVR&MT – Thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ “Mùa Xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, cứ mỗi độ Xuân về, các địa phương trên địa bàn tỉnh lại tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường sinh thái, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Đoan Hùng hướng dẫn người dân chăm sóc rừng mới trồng.

Những ngày đầu Xuân, chúng tôi có dịp về huyện Yên Lập và cảm nhận rõ sự thay đổi của vùng đất này với những mảnh đồi được phủ lên một màu xanh ngút ngàn bởi các loại cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Theo thống kê, huyện hiện có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp trên 30.000ha, chiếm trên 70% diện tích tự nhiên của huyện. Những năm gần đây, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã tích cực đầu tư, khoanh nuôi bảo vệ, trồng rừng sản xuất. Năm 2021, huyện đã trồng rừng tập trung được trên 1.200ha, trong đó trồng 400ha rừng gỗ lớn, mỗi năm khai thác khoảng 100.000 m3 gỗ và 12.000 ster củi. Đạt kết quả trên, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hiểu rõ hơn về giá trị rừng trồng. Vì vậy, các chủ rừng, các hộ gia đình đã nhận thức được giá trị từ rừng, tích cực tham gia trồng rừng để phát triển kinh tế. Nhìn lứa cây keo trồng năm trước lên xanh tốt, lứa thì chuẩn bị thu hoạch, gia đình anh Đinh Văn Sinh ở khu Minh Đức, xã Minh Hòa phấn khởi, có thêm khí thế quyết tâm chuẩn bị cây giống cho mùa trồng rừng năm sau. Tất cả vốn liếng, hy vọng đều đổ vào những mầm xanh, chỉ mong mưa thuận, gió hòa, thị trường ổn định để gia đình tiếp tục gắn bó với rừng.

Để phục vụ trồng rừng đầu năm, các cơ sở ươm cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, sẵn sàng cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng trồng rừng.

Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh có kế hoạch trồng mới 9.150ha rừng tập trung, trên một triệu cây phân tán. Trong đó, chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ rừng và các loại cây lâm nghiệp chủ lực, có lợi thế của từng địa phương để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, gắn với chế biến và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị cho ngành lâm nghiệp.

Ông Trần Ngọc Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Để đạt mục tiêu đề ra, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022; giao kế hoạch trồng rừng đến UBND các huyện, thị, thành và các đơn vị cơ sở nhằm chủ động công tác chuẩn bị hiện trường, cây giống để ngay từ đầu năm thời tiết thuận lợi tổ chức ra quân trồng rừng. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; động viên sự tham gia của toàn xã hội chung sức, đồng lòng, tham gia trồng cây, trồng rừng. Đồng thời, quy hoạch các nguồn giống, hệ thống vườn ươm bảo đảm đủ cây giống lâm nghiệp chất lượng phục vụ trồng rừng; hướng dẫn kỹ thuật trồng mới; chỉ đạo hoàn thành tốt công tác thiết kế kỹ thuật các công trình lâm sinh; chuẩn bị hiện trường, cây giống; khuyến khích người dân sử dụng cây giống chất lượng cao; áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật trồng rừng thâm canh. Trong những ngày Xuân, được thấy màu xanh của cây rừng trải dài trên những triền đồi càng hiểu được ý nghĩa to lớn của việc trồng cây gây rừng. Tuy mỗi địa phương, đơn vị có những cách làm khác nhau, song tất cả đều góp phần làm cho mùa Xuân thêm xanh.