Phú Thọ: Cho rừng thêm xanh

BVR&MT – Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn chú trọng công tác trồng cây, gây rừng, giữ gìn “lá phổi xanh”, bảo vệ môi trường sinh thái, đưa nét đẹp trồng cây đầu năm trở thành một phong trào sâu rộng, góp phần tạo dựng cho quê hương Đất Tổ những mùa Xuân xanh mãi.

Chuẩn bị cây giống phục vụ trồng rừng tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh.

Với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 13.000ha, những năm qua, phong trào trồng cây, gây rừng ở huyện Đoan Hùng được các cấp chính quyền luôn chú trọng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập cho người dân. Đến xã Vân Đồn chúng tôi được biết, xã đang chuẩn bị trồng mới 29ha rừng tập trung, gần 7.000 cây phân tán. Để đảm bảo tốt các điều kiện cho việc trồng rừng đạt kết quả cao nhất, ngay từ đầu năm, xã đã tập trung chỉ đạo bà con nhân dân phát dọn thực bì, đào hố để triển khai việc trồng rừng.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh – Chủ tịch UBND xã Vân Đồn cho biết: Được sự quan tâm của huyện và ngành chuyên môn sát sao chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc, diện tích trồng rừng của người dân ngày càng tăng lên. Năm nay, sau khi được giao kế hoạch, xã đã có văn bản hướng dẫn các khu dân cư tổ chức cho các hộ dân đăng ký trồng rừng và trồng cây phân tán. Đồng thời, hướng dẫn các chủ hộ trồng rừng phát dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị cây giống để triển khai việc trồng rừng năm 2022 và các hoạt động Tết trồng cây Xuân Nhâm Dần. Cũng như xã Vân Đồn, các xã có diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đoan Hùng cũng đang tích cực tuyên truyền, triển khai đến người dân kế hoạch, chuẩn bị thực địa để bắt tay vào trồng rừng đầu năm.

Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Đặc thù là huyện có nhiều diện tích rừng phòng hộ và đặc dụng, hàng năm, huyện Yên Lập đã có kế hoạch, chủ động trồng rừng thay thế bằng những giống cây bản địa nhằm góp phần bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Để đáp ứng đủ nhu cầu cây giống phục vụ công tác trồng rừng, ngay từ đầu năm, các cơ sở sản xuất cây giống trên địa bàn huyện đã chủ động gieo ươm cây giống và tiến hành các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, đảm bảo cho cây phát triển tốt, tỉ lệ cây sống cao.

Ông Nguyễn Tiến Thịnh – chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống ở xã Hưng Long cho biết: Gia đình bán giống cây trồng đã được hơn 20 năm, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng ba triệu cây giống các loại. Với số lượng lớn nên để đảm bảo chất lượng cây giống cung cấp cho bà con, tôi luôn lựa chọn các đơn vị cung cấp hạt giống uy tín, có thương hiệu… đồng thời thường xuyên phối hợp với huyện lấy mẫu kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng giống, tích cực tham gia các lớp tập huấn để có thêm kiến thức phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đến nay, cơ sở đã sẵn sàng cung cấp giống cho các hộ dân trồng rừng đầu năm.

Phú Thọ là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển rừng với diện tích rừng và đất rừng lớn gần 190.000ha, chiếm phần lớn tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Nhận thức được tầm quan trọng của thiên nhiên, của cây xanh đối với đời sống con người, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hoàn thành các chỉ tiêu về trồng, quản lý, bảo vệ rừng. Trong đó, tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng đa chức năng, trọng tâm là phát triển cây gỗ lớn, cây dược liệu và cây ăn quả đặc sản dưới tán rừng, trong đó khuyến khích các địa phương, đơn vị đẩy mạnh trồng rừng thâm canh, rừng cây gỗ lớn.

Những năm gần đây, diện tích rừng trồng mới ngày càng tăng cao. Năm 2021, toàn tỉnh trồng mới trên 9.200ha rừng. Hàng năm, tỉnh xây dựng kế hoạch, phát động Tết trồng cây vào dịp đầu năm nhằm vận động, khuyến khích các đơn vị, địa phương và nhân dân trên địa bàn tham gia tích cực vào việc trồng cây xanh, việc xã hội hóa trồng cây xanh có sức lan tỏa ngày càng sâu rộng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động mua cây xanh và tổ chức thực hiện Tết trồng cây đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng đối với đời sống xã hội; huy động mọi nguồn lực tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; coi trọng mục tiêu phòng hộ môi trường sinh thái kết hợp với phát triển kinh tế, tỉnh đã tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch, quy hoạch về bảo vệ, phát triển rừng bền vững gắn với chế biến lâm sản… Trong đó, tập trung trồng rừng sản xuất gỗ lớn với 2.200ha, theo chương trình hỗ trợ của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng và chương trình hỗ trợ từ nguồn Quỹ bảo vệ phát triển rừng; phát triển diện tích trồng mới cây quế nhằm mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ rừng.

Cùng với các cơ chế, chính sách, tỉnh cũng chỉ đạo việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đưa giống cây tốt vào ươm, trồng; áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào canh tác, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho người dân, đảm bảo cho diện tích rừng sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại hiệu quả cao. Theo kế hoạch, năm 2022, toàn tỉnh trồng 9.150ha rừng tập trung, trong đó trồng 9.100ha rừng sản xuất, 50ha rừng phòng hộ, đặc dụng; trồng trên 1.900.000 cây phân tán.

Ông Trần Ngọc Cường – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm đã tập trung tuyên truyền đến công chức, viên chức, người lao động, người dân ở tất cả các huyện, thành, thị, cơ quan, đơn vị, trường học về vai trò, ý nghĩa của trồng cây; hướng dẫn nhân dân trồng, chăm sóc rừng. Vào đúng ngày làm việc đầu tiên của năm mới, từ công sở, trường học, doanh nghiệp đến các khu dân cư, cán bộ, nhân dân, học sinh đều ra quân trồng cây. Hoạt động được duy trì hàng năm đã góp phần đẩy mạnh phong trào trồng cây, trồng rừng, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp. Từ đó nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, trồng cây, trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần giảm nhẹ thiên tai và biến đổi khí hậu.