Phú Thọ: Bảo vệ môi trường các khu, cụm công nghiệp

BVR&MT – Trong những năm qua các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào đầu tư, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất, kinh doanh đã tạo thêm nhiều áp lực cho môi trường, đòi hỏi các cấp, ngành có những giải pháp đồng bộ, chế tài đủ mạnh nhằm ngăn ngừa và hạn chế những vụ việc xâm hại môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải của CCN Hoàng Xá.

Toàn tỉnh hiện có bốn KCN và 17 CCN đi vào hoạt động thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như: May mặc, dệt sợi, gốm sứ, gạch men, điện tử, nhựa… Nhiều doanh nghiệp đã mở rộng quy mô sản xuất, thu hút và tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động với mức thu nhập bình quân từ 6,8-7 triệu đồng/người/tháng góp phần phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong đó có 3/4 KCN và 3/17 CCN đã đầu tư hệ thống nước thải tập trung. Nhiều doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đã gây ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động, làm ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư sống tại khu vực lân cận.

CCN Đồng Lạng với quy mô diện tích 41,7ha tại xã Phù Ninh huyện Phù Ninh hiện tại có 16 dự án trong nước và nước ngoài đầu tư sản xuất, kinh doanh hoạt động ổn định. Thời gian qua, cử tri của xã Phù Ninh liên tục đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường sống, nguồn nước ngầm; việc trồng trọt, chăn nuôi của người dân xung quanh khu vực CCN bị ảnh hưởng do Công ty CP KPC Phú Thọ sản xuất, chế biến Kaolin để nước thải sản xuất và nước mưa chảy tràn từ bãi nguyên liệu vào hệ thống thoát nước mặt của CCN trước khi xả ra mương thoát nước chung của khu vực. Ban quản lý các KCN đã phối hợp với huyện Phù Ninh tổ chức kiểm tra và huyện đã ra Quyết định số 660/QĐ-UBND ngày 27/4/2021 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP KPC Phú Thọ với số tiền 100 triệu đồng và yêu cầu Công ty giải quyết dứt điểm tình trạng trên. Hiện nay tổng lượng nước thải của CCN Đồng Lạng khoảng 420m3/ngày đêm, giảm khoảng 150m3/ngày đêm so với năm 2020. Theo kết quả phân tích môi trường của các doanh nghiệp đã được xử lý cột A, QCVN 40:2011/BTNMT, CCN Đồng Lạng vẫn đang duy trì, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải của các doanh nghiệp trong CCN, sau đó xả vào hệ thống thoát nước mặt của CCN trước khi thải ra môi trường.

Công ty CP Tân Phong đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo vệ môi trường.

Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, gây ảnh hưởng đến người dân, trong những năm qua Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các sở, ngành trong quá trình tham gia thẩm định, phê duyện các dự án đầu tư vào KCN, CCN chỉ chấp thuận dự án đầu tư phù hợp với tính chất, ngành nghề của KCN, CCN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung; kiên quyết từ chối các nhà đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt chú trọng đến báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, công tác thẩm định, giám sát xây dựng của chủ đầu tư…

Cùng với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban quản lý các KCN, CCN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức như: Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức tập huấn, phát động phong trào trồng cây, tổ chức hưởng ứng các chiến dịch vì môi trường; lấy mẫu xử lý nước thải đầu ra của các doanh nghiệp trước khi xả vào hệ thống xử lý nước thải chung, yêu cầu một số công ty khắc phục ô nhiễm tiếng ồn và khói thải; cải tạo, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thực hiện xử lý rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt. Hiện các doanh nghiệp đã thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, thực hiện việc nộp phí bảo vệ môi trường với nước thải công nghiệp. Các cơ sở phát sinh nước thải đặc thù đã thực hiện lắp đặt, cải tạo các hệ thống xử lý nước thải.

Đồng chí Nguyễn Bá Thọ – Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN và các cơ sở đang hoạt động ngoài KCN, CCN. Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát thải gây ô nhiễm môi trường nước và không khí, tăng cường quản lý rác thải công nghiệp, rác thải nguy hại, rác thải sinh hoạt, tập trung giải quyết ô nhiễm tại KCN, CCN chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật. Trong công tác tiếp nhận đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường kiên trì quan điểm tham mưu UBND tỉnh chỉ tiếp nhận các dự án có thiết bị, công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường, vị trí dự án phù hợp bảo đảm đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; hạn chế việc tiếp nhận các dự án đầu tư ngoài KCN, CCN, ngoại trừ các ngành nghề dịch vụ, mang tính chất đặc thù; kiên quyết không cho đầu tư mở rộng, nâng công suất đối với các dự án đầu tư không thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác hậu kiểm sau khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc nhập khẩu, đưa các công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vào sử dụng; trong quá trình thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện công tác bảo vệ môi trường sẽ chú trọng các cơ sở sản xuất phát sinh các nguồn thải lớn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; tiếp tục đầu tư hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động và trang thiết bị quan trắc trên địa bàn tỉnh; vận hành, bảo trì hệ thống giám sát các trạm xử lý nước thải tập trung”.