Phòng ngừa loài ngoại lai xâm hại có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD

BVR&MT – Thiệt hại toàn cầu từ sinh vật ngoại lai xâm hại đến nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp gấp 10 lần so với chi phí ngăn chặn, kiểm soát chúng, theo nhận định từ một nghiên cứu quốc tế.

Nghiên cứu được đăng tải trên Science of the Total Environment đầu tháng này nhấn mạnh gánh nặng kinh tế khổng lồ mà loài ngoại lai xâm hại gây ra và cho rằng việc phòng ngừa có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ USD.

Loài ngoại lai là những sinh vật phi bản địa gây hại cho môi trường và đa dạng sinh học, có thể gây ra suy thoái hệ sinh thái, ở một số khu vực chúng có thể đe dọa cuộc sống và sinh kế của các cộng đồng địa phương.

Nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học thuộc 17 viện nghiên cứu đã thiết lập một cơ sở dữ liệu toàn cầu có thể so sánh ở các quy mô và bối cảnh khác nhau về thiệt hại kinh tế do loài ngoại lai xâm hại.

Nghiên cứu trưởng Ross Cuthbert của Shool of Biological Sciences thuộc Queen’s University Belfast, tại Bắc Ireland, cho biết: “Một khi loài ngoại lai đã xâm nhập và lan rộng thì khó có thể tiêu diệt. Việc trì hoãn các biện pháp kiểm soát không chỉ tốn kém mà thường thất bại.”

Dữ liệu cho thấy từ năm 1960, quản lý toàn cầu các loài ngoại lai xâm hại tiêu tốn ít nhất 95 tỷ USD, trong khi đó tổn thất do các loài này gây ra ít nhất là 1.131 tỷ USD trong cùng thời kỳ.

Sâu keo mùa thu, một loài xâm hại gây suy thoái hệ sinh thái và đe dọa cuộc sống, sinh kế của người dân. Ảnh: CABI

Các thiệt hại tồn tại dưới dạng gây suy giảm năng suất nông nghiệp, lâm nghiệp, phá hủy cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế toàn cầu thông qua việc lây truyền dịch bệnh, theo các nhà nghiên cứu.

Nhóm đã định lượng chi phí theo các loại hình quản lý loài xâm hại khác nhau ở quy mô toàn cầu, đồng thời phát triển và áp dụng mô hình dự đoán chi phí gia tăng do chậm trễ trong quản lý.

Nghiên cứu cho thấy, chỉ một phần nhỏ chi phí quản lý các loài xâm lấn dành cho các biện pháp phòng ngừa chủ động. Phần lớn (73 tỷ USD) đã được chi cho các biện pháp kiểm soát hoặc tiêu diệt khi tổn thất đã diễn ra.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các nước đang phát triển nói riêng đầu tư rất ít vào việc quản lý loài ngoại lai xâm hại.

Theo CABI, một tổ chức hoạt động nhằm giải quyết các thách thức về môi trường, hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đã phải đối mặt với các vấn đề về loài ngoại lai xâm lấn từ cỏ dại, côn trùng, thực vật và động vật.

“Các loài ngoại lai này xâm nhập theo nhiều cách khác nhau, có thể từ nước nước dằn tàu, vật liệu đóng gói bằng gỗ”. Nghiên cứu trưởng Cuthbert cũng cảnh báo thêm rằng với xu hướng toàn cầu hóa, trong trong tương lai, khi thương mại, du lịch và vận chuyển vật liệu đến các nước đang phát triển gia tăng, khu vực này sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ loài ngoại lai xâm hại.

Ông cho biết châu Phi, châu Á và Nam Mỹ đã phải gánh chịu thiệt hại hàng trăm tỷ USD từ các cuộc xâm hại từ loài ngoại lai nhưng chỉ đầu tư vài triệu USD cho việc quản lý nguy cơ này.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đề xuất nên tập trung vào các biện pháp như an toàn sinh học hiệu quả để ngăn chặn các loài ngoại lai xâm hại trước khi chúng xâm nhập; nghiên cứu để ghi nhận các các loài xâm hại mới; phát triển các biện pháp quản lý và nhận thức được các tác động kinh tế và hệ sinh thái trước loài xâm hại.

Nam Khuê/Theo SciDevNet

Tags:
CHIA SẺ