Phó Thủ tướng: Xử lý nghiêm nơi đầu cơ găm hàng xăng dầu

BVR&MT – Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ngày 12/10 kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình quản lý và điều hành xăng dầu cho thị trường trong nước.

Thời gian vừa qua có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố phía Nam như: TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk….

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, có hơn 200 cửa hàng đóng cửa, gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống sinh hoạt của người dân.

Xếp hàng chờ đổ xăng ở TP.HCM. Ảnh: Chí Hùng

Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao thẩm quyền quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu cần chủ động bám sát tình hình thực tiễn, diễn biến thị trường, khẩn trương triển khai các biện pháp kiểm tra, giám sát; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi đầu cơ găm hàng, buôn lậu xăng dầu và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm nguồn cung xăng dầu và an ninh năng lượng quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi các Nghị định về kinh doanh xăng dầu; báo cáo Chính phủ trong tháng 10.

Theo Bộ Công Thương, từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Từ tác động của diễn biến giá xăng, nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ; chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tăng cao, trong khi chi phí này chưa phản ánh vào cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu khiến DN bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, việc tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỉ giá hối đoái giữa USD và VNĐ tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến đầu mối không đủ tài chính để nhập hàng với khối lượng như trước, chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc và lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Tính đến tối 11/10, Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết có 137/550 cửa hàng tạm hết xăng dầu chủ yếu ở huyện Hóc Môn (có 18 cửa hàng); huyện Củ Chi và quận Bình Tân có 16 cửa hàng; TP Thủ Đức có 15 cửa hàng; quận 12, Bình Thạnh có 10 cửa hàng…

Trong hệ thống phân phối xăng dầu, Việt Nam có 36 doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu, 500 đơn vị phân phối và khoảng 17.000 cửa hàng bán lẻ.

Từ 15h ngày 11/10, cơ quan điều hành quyết định tăng thêm 560 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, RON 95. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 21.290 đồng/lít và xăng RON 95 là 22.000 đồng/lít.