BVR&MT – Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh tế-xã hội đối với vùng Tây Nguyên được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030.
Ngày 14/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký Quyết định số 461/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Việc lập quy hoạch là công cụ quản lý của nhà nước trong việc điều hành phát triển kinh tế xã hội nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực để hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển.
Mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp kinh tế-xã hội đối với vùng Tây Nguyên được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030: nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế; chú trọng khôi phục và phát triển kinh tế rừng; phát triển năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, phát triển các trung tâm du lịch lớn, hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên; phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên; xây dựng đường bộ cao tốc và nâng cấp mạng lưới giao thông nội vùng, các tuyến kết nối các tỉnh Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, ven biển Nam Trung Bộ với Nam Lào và Đông Bắc Campuchia; bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống.
Đồng thời, cụ thể hóa phương hướng tổ chức không gian phát triển các ngành, lĩnh vực trên phạm vi lãnh thổ của vùng Tây Nguyên được đề ra trong các quy hoạch cấp quốc gia; là cơ sở để lập quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị… trên phạm vi lãnh thổ vùng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.
Mục tiêu lập quy hoạch để đề xuất các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế của vùng, hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo môi trường và động lực để các địa phương trong vùng phát triển theo định hướng phát triển của quốc gia.
Nội dung chính của quy hoạch vùng được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch, bao gồm: phân tích, đánh giá thực trạng các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực đặc thù của vùng; đánh giá tổng hợp điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức; các vấn đề trọng tâm cần giải quyết trong quy hoạch vùng; dự báo triển vọng và nhu cầu phát triển vùng các mặt kinh tế, xã hội và môi trường và tổ chức không gian lãnh thổ; xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển.
Ngoài ra, nội dung chính của quy hoạch là xác định quan điểm về phát triển vùng, tổ chức không gian phát triển các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ vùng trong thời kỳ quy hoạch; xây dựng mục tiêu tổng quát phát triển vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường gắn với tổ chức không gian phát triển vùng cho thời kỳ đến năm 2030 và cho từng giai đoạn 5 năm; xây dựng phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lãnh thổ vùng…
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/4/2022./.