Phát triển toàn diện cho vùng 4 dân tộc rất ít người

BVR&MT – Sau gần 5 năm triển khai thực hiện (tính từ khi giao vốn) Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao”, đến nay đời sống của các dân tộc này đã có những thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, còn những khó khăn, bất cập về chính sách cần được xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Niềm vui trong những ngôi nhà mới

Ngôi nhà nhỏ, lợp tôn của gia đình anh Ly Chóng Xá ở bản Phí Chi C, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) mới được làm nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước cộng với vay mượn từ người thân vẫn còn thơm mùi gỗ mới. Tuy không quá lớn, nhưng so với ngôi nhà tạm tranh tre vách nứa, thì đã khang trang hơn rất nhiều. Bản thân Xá chẳng bao giờ nghĩ đến một lúc nào đó lại được ở trong căn nhà vững chãi như thế. Ly Chóng Xá tâm sự: “Được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, hỗ trợ sản xuất, đời sống gia đình em ổn định hơn rất nhiều. Nhà em ở gần trung tâm xã, được đầu tư đường bê – tông, điện chiếu sáng, mọi thứ thuận tiện lắm. Làm ăn thì được hướng dẫn, chỉ bảo; chăn nuôi con lợn, con gà cũng không sợ bị chết nữa”.

Những ngôi nhà “3 cứng” của đồng bào La Hủ ở huyện Mường Tè (Lai Châu).

Cùng với gia đình Ly Chóng Xá, năm nay xã Pa Vệ Sủ còn có 44 hộ dân tộc La Hủ khác được hỗ trợ làm nhà kiên cố. Đã có nhiều hộ làm nhà xong như nhà Xá, có nhiều hộ cũng đang rục rịch làm.

Ông Vàng Hà Chóng, Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ cho biết, trước đây đồng bào La Hủ ở mãi trong rừng sâu phải đi bộ cả ngày đường mới đến. Cuộc sống thiếu thốn đủ thứ, không điện, đường, trường, trạm; sống chủ yếu dựa vào rừng. Sau khi chuyển về sống tập trung ở đây, người dân được hỗ trợ dựng nhà, giống sản xuất và hướng dẫn cách làm ăn… Cuộc sống của bà con chưa hết nghèo, nhưng cũng thay đổi rất nhiều; con cái có điều kiện đến trường, khi ốm đau có thể chạy đến trạm y tế xã khám, chữa bệnh…

Hỗ trợ đất để đồng bào phát triển sản xuất.

Với gia đình anh Vần Mí Say, thôn Ngàm Soọc, xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh (Hà Giang) không có niềm vui nào lớn hơn khi được dọn vào ở ngôi nhà cấp 4 mới xây. Là hộ nghèo, anh Say chưa từng nghĩ đến việc xây được một ngôi nhà kiên cố, khang trang như thế. Nhưng nhờ hỗ trợ từ Chương trình xóa nhà tạm thuộc Đề án, mong muốn bấy lâu đã được thực hiện. Theo đó, nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, Say mạnh dạn vay mượn thêm bạn bè, người thân để xây nhà. Mùa đông vừa qua, gia đình anh không còn phải chịu cảnh rét mướt. Giống như gia đình anh Say, hơn 30 hộ người Cờ Lao tại 5 xã Mậu Duệ, Phú Lũng, Mậu Long, Ngọc Long và Bạch Đích cũng nhận được hỗ trợ này.

Không chỉ hỗ trợ làm nhà ở kiên cố, Phòng Dân tộc huyện Yên Minh đã triển khai hỗ trợ nuôi dê sinh sản cho hộ nghèo người Cờ Lao, do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Theo đó, mỗi gia đình được hỗ trợ từ 30 – 35 kg dê giống. Phòng Nông nghiệp huyện giúp tập huấn chăm sóc, phòng bệnh, hỗ trợ xây chuồng trại chăn nuôi, tham quan mô hình sản xuất, tập huấn khuyến nông…

Làm đường giao thông vào xã Pa Vệ Sủ

Bên cạnh hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định nơi ở; việc hỗ trợ phát triển văn hóa – thông tin cũng là hoạt động nổi bật: Các đội văn nghệ thôn, bản được duy trì; học sinh dân tộc Cờ Lao mặc trang phục dân tộc truyền thống khi đến trường, được học một số nhạc cụ truyền thống…

Cần cơ chế đặc thù

Theo đánh giá của lãnh đạo Ban Dân tộc của 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang có đồng bào được hưởng lợi từ Đề án thì Đề án là chính sách đặc thù, việc đầu tư, hỗ trợ cũng rất toàn diện. Từ cơ sở hạ tầng, giao thông đến hỗ trợ sinh kế, văn hóa, giáo dục, y tế… Nhờ đó, đến nay, bộ mặt chung của vùng các dân tộc này đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi, việc triển khai thực hiện chính sách tại các vùng dân tộc này còn rất nhiều khó khăn bất cập.

Con em đồng bào La Hủ có cơ sở vật chất học tập đầy đủ.

Theo Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu, Lò Thị Vương do đây là chính sách đặc thù, cho nên định mức hỗ trợ các dân tộc này cũng phải đặc thù hơn, cao hơn các chính sách khác. Hiện nay, chính sách của Nhà nước đang nằm chung vào với các chính sách bao phủ khác, việc hỗ trợ còn đang mang tính cào bằng, định mức hỗ trợ thấp… Đơn cử như việc hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ để dựng nhà, nhưng với giá cả hiện tại thì rất khó để dựng nhà.

Trong khi phần lớn bà con ở đây đều là hộ nghèo, thậm chí Nhà nước vẫn phải cứu đói vào mùa giáp hạt… Chính sách ban hành thì theo giai đoạn, tính từ thời điểm đi khảo sát, đến khi ban hành và áp dụng đến giờ, đã là một quãng thời gian dài mà vẫn áp dụng mức hỗ trợ như ban đầu thì chính sách rất khó đi vào cuộc sống. Chính vì vậy cần có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời, có như vậy chính sách mới thiết thực hơn với cuộc sống.

Đề án “ Phát triển kinh tế – xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” được thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang. Thời gian thực hiện Đề án là 10 năm (2011 – 2020) và chia làm 2 giai đoạn: 2011 – 2015 và 2016 – 2020. Với tổng kinh phí thực hiện là 1.042 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Ủy ban Dân tộc, Đề án “Phát triển kinh tế – xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” là chính sách đặc thù, giải quyết những vấn đề đặc thù nên phải có cơ chế đặc thù. Theo đó, các đơn vị thực hiện đề án cần rà soát các chỉ tiêu, nội dung thực hiện, tránh tình trạng chồng chéo với các chính sách khác. Đặc biệt, ưu tiên thực hiện những mục tiêu dành cho các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao mà chưa có chính sách nào có.

Ủy ban Dân tộc cũng đưa ra 5 giải pháp thực hiện để hoàn thành các mục tiêu của đề án vào năm 2020, đó là: Lựa chọn những danh mục đầu tư cấp bách, đưa ra ngoài danh mục đã được các chính sách khác đầu tư và những công trình có suất đầu tư lớn; ứng dụng các mô hình phát triển sản xuất bền vững đã được thử nghiệm thành công trên địa bàn; rà soát nhu cầu lao động và việc làm để xác định nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời những kiến nghị; hạn chế thiếu sót, thất thoát, lãng phí…

Ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè:

Nâng cao nhận thức cho người dân

Đề án được thực hiện đã giúp đồng bào biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi đã có sự chuyển biến tích cực hơn. Về văn hóa, giáo dục, đã được nâng lên; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường tăng. Các nét văn hóa tốt đẹp đã được khôi phục, các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ thường xuyên được tổ chức… Sự tuyên truyền vận động của chính quyền, các cơ quan, đoàn thể đã kịp thời động viên, khích lệ người dân tham gia tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, đồng thời tăng tính thích ứng và hoà nhập cộng đồng. Nhận thức của người dân về y tế và chăm sóc sức khỏe đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm thiểu tỷ lệ mắc bệnh, phụ nữ thời kỳ mang thai và sinh nở được gia đình quan tâm hơn.

Ông Tống Thanh Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu:

Bố trí kinh phí kịp thời Việc thực hiện

Đề án giai đoạn 2 (2016 – 2020) rất cần các bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí thực hiện Đề án đảm bảo theo đúng lộ trình được phê duyệt nhằm đảm bảo thực hiện hoàn thành các mục tiêu Đề án đã xác định. Trong đó, việc tăng định mức hỗ trợ các nội dung cho phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ phát triển của 3 dân tộc ở Lai Châu là vô cùng cần thiết. Mặt khác, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để thay đổi căn bản nhận thức của người dân, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại, bởi đây sẽ là một cái “bẫy nghèo” đáng sợ nếu không tuyên truyền tốt.

Ông Nguyễn Văn Duẩn, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương I (Ủy ban Dân tộc):

Mục tiêu đạt vẫn thấp

Sau gần 5 năm thực hiện đề án, trong số 23 mục tiêu đặt ra của đề án, có tới 12 mục tiêu chưa đạt, 11 mục tiêu còn lại đạt với phần trăm khá thấp, như mục tiêu giảm hộ nghèo xuống còn 60%, nhưng thực tế vẫn còn gần 80%; mục tiêu 100% số hộ xóa nhà tạm nhưng thực tế mới xóa được 657/1.670 nhà. Các công trình nước sinh hoạt, nhà văn hóa, trường học kiên cố… chỉ đạt chưa đến 10% so với mục tiêu đề ra…