Phát triển thích ứng biến đổi khí hậu: Cà Mau với bài toán giữ đất

BVR&MT – Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như tỉnh Cà Mau.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đáng chú ý, tình trạng sạt lở, sụp lún đất không chỉ diễn ra trong mùa mưa bão hay tại các địa phương ven biển, mà có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào, ở bất kỳ đâu. Bài toán “giữ đất” để phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu đang cần lời giải cấp bách.

Thấp thỏm nỗi lo sạt lở

Những năm qua, huyện Năm Căn là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại do tình trạng sạt lở đất ven sông. Dù chưa bước vào cao điểm mùa mưa bão nhưng từ đầu năm đến nay, tại huyện Năm Căn đã xảy ra khoảng 20 vụ sạt lở đất ven sông, gây nhiều thiệt hại về tài sản cho người dân.

Các vụ sạt lở xảy ra nhiều tại những tuyến sông lớn, nơi có dòng chảy mạnh trên địa bàn thị trấn Năm Căn và các xã Hàng Vịnh, Hiệp Tùng, Ðất Mới, Tam Giang…

Chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lở trong đêm 12/6 vừa qua, ông Nguyễn Thành Ðại ở ấp Nhà Hội, xã Tam Giang, huyện Năm Căn, cho hay vụ sạt lở đất làm ảnh hưởng đến 3 lò than của gia đình và hộ ông Huỳnh Văn Ổi. Sạt lở đất với chiều ngang 30m, dài 20m, sâu đến 8m.

Trước đó mấy ngày, đất có dấu hiệu rạn nứt nhưng còn xa mới đến vị trí các lò than. Không ngờ sạt lở xảy ra nhanh đến như vậy. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 80 triệu đồng.

“Do có 1 lò than bên trong vẫn còn cháy nên khi sạt lở xảy ra cũng gây hỏa hoạn. Gia đình đã sớm phát hiện và kịp thời báo với chính quyền địa phương huy động lực lượng công an, dân quân, người dân nhanh chóng dập tắt ngọn lửa, giúp gia đình khắc phục hậu quả,” ông Đại kể lại.

Liên tiếp sau đó, sạt lở cũng đã xảy ra trên địa bàn Khóm 7, thị trấn Năm Căn, làm sụp nhà của 3 hộ dân trong khu vực. Có một điểm chung là những vụ sạt lở thường xảy ra trong đêm, nếu lơ là chủ quan thì không chỉ mất nhà, mất tài sản mà tính mạng của người dân cũng bị đe dọa.

Chị Tô Thị Quyên, Khóm 2, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, chia sẻ, người dân ở đây ai cũng sợ cảnh đang ngủ trên giường đến nửa đêm tựu dưng cả nhà và người trôi tuột xuống sông.

Căn nhà của chị Quyên thuộc diện kiên cố nhất ở đây, nhưng hiện cũng bắt đầu bị nghiêng, lún xuống hơn 50cm. Dù biết rủi ro nhưng gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác vẫn chấp nhận bám trụ lại vì nếu dời đi nơi khác thì ảnh hưởng rất lớn đến sinh kế.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Năm Căn, với tập quán sinh sống ven sông của người dân nên cơ sở hạ tầng, nhất là nhà ở đa phần là nhà cấp 4 và nhà ở tạm. Vì vậy khi có bão, áp tháp nhiệt đới, lốc xoáy xảy ra thì thiệt hại là không tránh khỏi.

Ngoài ra, do địa bàn xã nằm gần biển, biên độ triều cường cao, dòng chảy xiết nên tình trạng sạt lở đất ven sông thường xuyên xảy ra và diễn biến phức tạp. Hệ thống đê bao chưa được đầu tư nhiều, quy mô đầu tư nhỏ, chưa đáp ứng được việc chống chọi với thiên tai; khi có bão, áp thấp nhiệt đới và nước dâng dễ bị vỡ và tràn bờ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Năm Căn Trần Ðoàn Hùng trăn trở, địa phương có vị trí giáp biển, nền đất yếu nên sạt lở xảy ra như một quy luật tự nhiên. Những năm gần đây, quy mô và tần suất xảy ra sạt lở ngày một tăng. Do đó, công tác quản lý nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro cho người dân luôn phải đặt lên hàng đầu.

Huyện đã đề xuất tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng kè một số tuyến chính, tuy nhiên cơ bản vẫn là tuyên truyền, vận động người dân để hạn chế tối đa thiệt hại. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên, liên tục quan trắc để phát hiện những điểm sạt lở mới, tại những điểm cũ thì tăng cường tuyên truyền và cắm biển cảnh báo để người dân có cơ sở bảo vệ tài sản, tính mạng của gia đình.

Qua rà soát, đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Năm Căn, năm 2021 xuất hiện khoảng 25 điểm nguy cơ sạt lở cao, cần được cắm biển cảnh báo với chiều dài 50 km, dự kiến cắm 54 biển cảnh báo.

Cũng như Năm Căn, Đầm Dơi là một trong sáu huyện ven biển của tỉnh Cà Mau thường xuyên chịu tác động bất lợi từ triều cường, biển dâng, gây nên tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển, làm hư hại công trình kiến trúc, giao thông và nhà cửa của nhân dân.

Năm 2021, toàn huyện xảy ra 30 vụ sạt lở đất. Sạt lở có chiều hướng xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là ở các xã như Tân Tiến, Nguyễn Huân, Tân Thuận, Tân Ðức…

Theo số liệu tổng hợp từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến bất thường đã gây thiệt hại cho trên 2.300ha lúa, hoa màu, cây ăn trái; làm ngập, tràn 500ha nuôi thủy sản và gần 30 km đường giao thông. Đặc biệt là có 61 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài trên 1km, trên 700 căn nhà bị thiệt hại.

Thực tế những năm gần đây, nỗi lo về sạt lở, sụp lún đất không chỉ diễn ra trong mùa mưa bão hay tại các địa phương ven biển, mà tình trạng trên có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào và ở bất kỳ đâu. Thực trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang là mối đe dọa hiện hữu và đầy thách thức với Cà Mau – mảnh đất cực Nam của Tổ quốc.

Trăn trở với bài toán “giữ đất”

Tỉnh Cà Mau đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ là thực hiện phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó lấy con người làm trung tâm sự phát triển, hướng tới phục vụ người dân.

Ba vấn đề được Nghị quyết 120 nhấn mạnh cũng là 3 thách thức rất lớn đối với Cà Mau trong quá trình phát triển là: Giữ đất, giữ nước, giữ người.

Với bài toán “giữ đất,” theo nhận định của ngành chức năng, khó khăn cơ bản nhất chính là tác động của tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề, làm gia tăng tình trạng sạt lở, sụt lún ven sông, ven biển… cả về tần suất và mức độ thiệt hại.

Bên cạnh đó, cũng như các tỉnh, thành phố trong vùng, Cà Mau rất thiếu hạ tầng để phát triển đồng bộ. Không chỉ là hệ thống đường giao thông mà hệ thống đê kè, thủy lợi… cũng chưa hoàn thiện.

Cà Mau có bờ biển dài 254km. Thời gian qua, trên toàn tuyến bờ biển có khoảng 150km bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, sạt lở từ 20-50m/năm, bình quân mỗi năm bờ biển Cà Mau bị sạt lở mất khoảng 450ha. Ngoài ra, sạt lở bờ sông cũng là vấn đề lớn đặt ra với Cà Mau.

Với sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương, sự cố gắng nỗ lực của Cà Mau, trong hơn 10 năm qua tỉnh đã xây dựng được hơn 50 km kè bảo vệ bờ biển.

Kết quả đạt được khá tốt nhưng so với yêu cầu thì còn thiếu hụt rất xa, chỉ mới kè được khoảng 30% các đoạn bờ biển sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, bảo vệ được 20% chiều dài bờ. Với nguồn lực và tiến độ như hiện nay, theo tính toán của ngành chức năng thì 40 năm nữa Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, khó khăn nhất trong bảo vệ bờ biển hiện nay là thiếu nguồn lực đầu tư; trong khi đó, các quy định pháp luật hiện hành quản lý rất nghiêm ngặt vùng ven biển, đồng thời chưa có cơ chế, chính sách để huy động, thu hút nguồn lực đầu tư.

Ðể giữ đất, Cà Mau đang thay đổi cách tiếp cận nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì bị động hoặc trông vào các giải pháp đê cứng, Cà Mau tiếp cận thu hút phát triển kinh tế biển ven bờ gắn với hệ thống “đê, kè mềm,” phát triển các dự án năng lượng tái tạo, nuôi trồng thuỷ sản ven bờ gắn với tạo các lớp chắn sóng, tạo vùng bồi lắng và tái tạo rừng ngập mặn.

Điển hình trong đó là phát triển các dự án điện gió, đây được xem là giải pháp góp phần chắn sóng và gió; dự án điện mặt trời ven biển với hệ thống kè mềm chắn sóng góp phần tạo vùng bồi lắng và vùng nước nuôi biển.

Thay vì phá bỏ rừng để phát triển kinh tế, các dự án sẽ giúp giữ đất, tái trồng rừng ngập mặn. Hướng tiếp cận này được nhiều doanh nghiệp quan tâm lập dự án, nhất là dọc bờ biển Tây của Cà Mau. Qua đó, tỉnh sẽ giảm được áp lực đầu tư công vào các công trình đê kè ven biển.

Ðể Cà Mau nói riêng, các tỉnh trong vùng nói chung “phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu” như tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục có những chính sách ưu tiên đầu tư hạ tầng nông thôn, hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu. Ðặc biệt, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù để ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng.

“Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Cà Mau rất cần sự đầu tư để phát triển hạ tầng bởi hiện nay hệ thống đường thủy, đường bộ và đường biển của vùng thiếu và yếu, chưa kết nối với nhau. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi của vùng cũng đang là vấn đề bất cập, sự phối hợp điều tiết thủy lợi của vùng chưa chặt chẽ” – ông Lê Văn Sử phân tích.