Phát triển rừng trồng bền vững gắn với chế biến sâu

BVR&MT – Phát huy tiềm năng, lợi thế về rừng, thời gian qua hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã nỗ lực phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC gắn với chế biến sâu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy mạnh phát triển ngành chế biến gỗ ở các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Công nhân Công ty cổ phần gỗ MDF Thanh Thành Đạt vận hành dây chuyền ép ván MDF từ phòng điều khiển.

Để Nghệ An và Hà Tĩnh thoát khỏi “vũng trũng” về sản xuất đồ gỗ xuất khẩu, thời gian tới rất cần những chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, của tỉnh cùng sự nỗ lực của người dân và doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn rừng bền vững FSC cũng như đầu tư nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu hiện đại.

Xây dựng thương hiệu rừng FSC

5 năm trước, những người dân trồng keo ở huyện miền núi 30a Quỳ Châu (Nghệ An) chưa biết trồng rừng theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững FSC là gì. Ông Phan Bá Giang và các hộ dân trong bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình thấy việc triển khai trồng rừng FSC rất khó thực hiện, bởi phải tuân thủ 10 nguyên tắc cùng hàng trăm chỉ số và tiêu chí liên quan, nhất là vấn đề bảo đảm môi trường sống hiện có, cũng như buộc phải thay đổi các thói quen trồng, chăm sóc và khai thác rừng trồng như trước đây…

Chủ tịch UBND xã Châu Bình, Lê Văn Toan cho biết: Toàn xã có 52% số dân là người dân tộc thiểu số, có đến 42% số hộ thuộc diện hộ nghèo. Ban đầu, việc triển khai trồng rừng FSC gặp nhiều khó khăn. Được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Thanh Hòa, chính quyền và ban, ngành các cấp, thông qua công tác tuyên truyền, địa phương đã chọn 500ha liền thửa ở các bản: Kẻ Nâm, 34, Kẻ Móng để thí điểm triển khai. Xã cử cán bộ xuống các bản cùng với kỹ thuật viên, chuyên gia hướng dẫn, động viên người dân trồng rừng theo đúng quy trình. Sau đó, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm và nhân rộng ở bản khác. Sau hơn ba năm kiên trì triển khai, đã có 754 hộ dân ở tám bản trong xã tham gia trồng được 2.886ha rừng theo quy trình FSC. Đến tháng 7/2020, toàn bộ số diện tích rừng nêu trên của xã Châu Bình được tổ chức quốc tế kiểm định và công nhận đạt chứng chỉ FSC.

Tại huyện miền núi Hương Sơn (Hà Tĩnh), Liên hiệp Hợp tác xã chứng chỉ rừng Tây Kim đã tiếp cận và nhận chuyển giao quy trình, phương pháp trồng rừng FSC cho 1.815 hộ dân 14 xã vùng thượng Hương Sơn với 4.034ha rừng trồng, chăm sóc được cấp chứng chỉ FSC. Theo chia sẻ của Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã chứng chỉ rừng Tây Kim, Võ Văn Biển, nhờ tuân thủ quy trình, kỹ thuật nên rừng trồng FSC sinh trưởng, phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao. Thay vì khai thác trắng để bán gỗ dăm cho lợi nhuận thấp, gây sạt lở, xói mòn đất như cách làm truyền thống, họ đã thực hiện đo đếm, đánh giá kỹ lưỡng trữ lượng để điều chỉnh tỷ lệ khai thác rừng hằng năm, xác định diện tích khai thác bình quân phù hợp thời gian kế tiếp.

Năm vừa qua, Liên hiệp Hợp tác xã thu hoạch 44ha rừng có chứng nhận FSC, mang lại doanh số hơn 350 triệu đồng (tăng gấp 15% so với giá trị). Với đà tiến triển như hiện nay, dự kiến cuối năm 2022, Liên hiệp Hợp tác xã sẽ mở rộng diện tích rừng trồng FSC ở Hương Sơn trên diện tích hơn 7.000ha.

Mới đây, hơn 938ha lùng (họ với tre) ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong (Nghệ An) đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Ông Lang Văn Hiền (54 tuổi), bản Khủn Na cho biết, ngoài số tiền bán sản phẩm lùng FSC được khoảng 30 triệu đồng/năm, gia đình ông còn được Nhà nước chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 600 nghìn đồng/ha/năm. Số tiền này tuy không nhiều nhưng phần nào giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, nuôi các con ăn học. Đáng mừng, sau khi rừng lùng của gia đình và các hộ dân trong bản Khủn Na được cấp chứng chỉ FSC đã có hai doanh nghiệp cam kết trực tiếp thu mua lùng nguyên liệu cho người dân. Giá trị bán cũng tăng lên từ 10% đến 15% so với bán cho thương lái. Thời gian tới, UBND huyện Quế Phong sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng lùng được cấp chứng chỉ FSC tại hai xã Đồng Văn và Thông Thụ với diện tích khoảng hơn 1.700ha cùng 2.600 nhân khẩu được hưởng lợi trực tiếp.

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, Hà Tĩnh, hiện nay trên địa bàn hai tỉnh đã có hơn 15.000ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC trong tổng số 270.000ha rừng nguyên liệu. Dự kiến, cuối năm 2022, các ngành liên quan tiếp tục tiến hành thủ tục để cấp chứng chỉ FSC cho hơn 16.000ha rừng trồng các loại. Hai tỉnh phấn đấu đến năm 2025, sẽ có ít nhất 70.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC.

Đẩy nhanh chế biến sâu

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, với hơn 1 triệu héc-ta đất có rừng, trong đó có 200.000ha rừng trồng cho sản lượng ngày một được nâng lên. Hàng chục héc-ta rừng trồng của tỉnh đã và đang chuẩn bị được cấp chứng chỉ FSC là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến sâu theo hướng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh.

Hiện có một số nhà máy gỗ MDF hiện đại với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng/nhà máy ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Trong đó, phải kể đến hai nhà máy MDF đang hoạt động hiệu quả, tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) và huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Cùng với đó, tại nhiều địa phương ở các huyện miền núi đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất viên nén sinh khối xuất khẩu, sản xuất gỗ ghép thanh, dăm gỗ xuất khẩu… với giá trị xuất khẩu lên đến hàng trăm triệu USD/năm. Các nhà máy chế biến gỗ đi vào hoạt động đã giúp nông dân Nghệ An, Hà Tĩnh có đầu ra tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu rừng trồng ổn định. Hiện ở một số nơi tại hai tỉnh đang dần hình thành các khu chế biến gỗ hiện đại.

Tại huyện Nghĩa Đàn, Tập đoàn TH đã đầu tư nhà máy sản xuất gỗ MDF Nghệ An với toàn bộ thiết bị hiện đại của Liên minh châu Âu (EU), giai đoạn 1 với số vốn đầu tư 100 triệu USD, công suất hơn 130.000m3 sản phẩm gỗ ván MDF và ghép thanh phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Tại xã Sơn Thọ (Vũ Quang), Nhà máy chế biến gỗ MDF Thanh Thành Đạt hiện đang hoạt động vượt công suất 120.000m3/năm. Phó Giám đốc Công ty cổ phần gỗ MDF Thanh Thành Đạt, Nguyễn Thế Bảy cho biết: “Nhằm phát huy cao nhất năng lực sản xuất của hệ thống máy móc hiện đại được đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, chúng tôi đã hỗ trợ 50% chi phí mua cây giống và ký hợp đồng tiêu thụ với các hộ dân trồng rừng FSC”.

Mới đây, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định cho phép thành lập Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ ở các huyện Nghi Lộc và Đô Lương để làm đầu mối phát triển ngành gỗ xuất khẩu trên địa bàn và khu vực.

Bên cạnh những kết quả bước đầu, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh còn chậm, tư duy phát triển còn hạn chế, chưa theo kịp xu thế phát triển của ngành lâm nghiệp xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Do khó khăn về kinh tế cũng như nhận thức cho nên nhiều người dân chưa có điều kiện tham gia trồng rừng FSC và rừng cây gỗ lớn. Cùng với đó, công nghiệp chế biến lâm sản phát triển chưa đồng bộ, liên kết chuỗi trong sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng đến khai thác, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chưa bền vững…

Để khắc phục những yếu kém này, đại diện lãnh đạo các địa phương cho rằng, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, ngành lâm nghiệp và các địa phương, đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung đầu tư trong khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An theo Quyết định số 509/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp chế biến lâm sản tập trung đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu gắn với bảo vệ môi trường; mở rộng và vươn rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là các thị trường tiềm năng như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…; đồng thời, làm tốt vai trò đầu tàu, hỗ trợ người dân trong việc cấp và duy trì chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC…

Cùng với đó, Trung ương và các tỉnh có chính sách trợ giúp người dân, các tổ chức, hợp tác xã, doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình phát triển rừng trồng theo tiêu chuẩn rừng bền vững FSC cũng như đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu hiện đại ■