Phát triển nông nghiệp sạch

BVR&MT – Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC), nông nghiệp sạch (NNS) được đánh giá là ngành có tiềm năng tăng trưởng và triển vọng nhất trong tương lai. Xu thế phát triển này đang ngày càng rõ nét khi xuất hiện ngày một nhiều các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để “đeo đuổi” được lĩnh vực này, không phải ai cũng đủ kiên nhẫn bởi cùng lúc phải vượt qua nhiều rào cản về vốn, thị trường cũng như những chính sách, quy trình tiêu chuẩn khắt khe,…

Chị Huỳnh Đinh Hà Giang giới thiệu vườn hồ tiêu hữu cơ trồng xen lẫn các loại cây ăn trái, dược liệu và cây gia vị.

Giải bài toán vốn

Được thành lập từ năm 2015, Công ty TNHH BioPhap là một trong hai doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp cận nguồn tín dụng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) theo chương trình cho vay NNUDCNC, NNS. Theo chia sẻ của chị Huỳnh Đinh Hà Giang – Giám đốc điều hành công ty, phương châm kinh doanh của DN là bên cạnh mục tiêu về kinh tế, thì việc đóng góp tích cực cho môi trường và xã hội cũng rất quan trọng. “Thực tế hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tìm mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng và thương hiệu uy tín trên thị trường. Đó cũng là lý do vì sao BioPhap lựa chọn nông nghiệp hữu cơ, một lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam” – chị Giang cho biết.

Tuy nhiên, đầu tư vào lĩnh vực này, các DN sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro như: thị trường tiêu thụ chưa ổn định, biến đổi khí hậu diễn ra khắc nghiệt, và nhất là vốn đầu tư lớn. Theo tìm hiểu, NNUDCNC, NNS sẽ cần một lượng vốn đầu tư cao gấp từ 3 đến 7 lần so với canh tác truyền thống. Chính vì vậy, nhiều DN không thể “tự bơi” nếu không có thêm những trợ lực về vốn. Như với BioPhap, bên cạnh vốn tự có, để cùng thực hiện dự án trồng 7,8 ha cây lâu năm (bao gồm cam Cara Cara, cam sành, bưởi da xanh, chanh không hạt, tiêu) theo tiêu chuẩn quốc tế tại xã Đác Pnê (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum), DN này đã “thuyết phục” được Agribank chi nhánh Kon Tum rót vốn với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1 đến 1,5%.

Có ngân hàng làm bệ đỡ vốn, chuỗi liên kết của DN càng trở nên chắc chắn hơn khi BioPhap thực hiện liên kết với 19 hộ gia đình người dân tộc Ba Na trong vùng. Theo đó, DN đầu tư miễn phí vật tư đầu vào, hướng dẫn phương pháp và kỹ thuật canh tác, bao tiêu thu mua sản phẩm cho bà con; đổi lại, các hộ tham gia sẽ đầu tư đất và trực tiếp sản xuất. Dự án đầu tiên trong chuỗi liên kết này đã cho thành phẩm là hơn 1 tấn bột nghệ và bột gừng được thu hoạch và chế biến bằng phương pháp thủ công. Đến nay, BioPhap đã mở rộng thêm nhiều dự án, xây dựng được chuỗi giá trị từ trồng trọt, chế biến và phân phối đến tay người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. BioPhap cũng đã được chứng nhận các sản phẩm hữu cơ quốc tế. Đơn vị thực hiện chứng nhận là Công ty Ecocert (tại Pháp) – đại diện cho các tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế uy tín trên thế giới là tiêu chuẩn AB (châu Âu), tiêu chuẩn JAS (Nhật Bản), tiêu chuẩn USDA (Hoa Kỳ) và Công bằng cho cuộc sống (Fair For Life).

Cũng theo chị Huỳnh Đinh Hà Giang, cây hữu cơ lâu năm chưa thể cho ra sản phẩm trong mấy năm đầu; chi phí đầu tư, nghiên cứu, phát triển và đào tạo lại cao. Chưa kể về mặt chính sách ở vùng sâu, vùng xa, vấn đề quy hoạch cũng như các thủ tục, cơ chế hay việc quản lý thông tin không được thuận lợi như ở các thành phố lớn, dẫn đến chi phí quản trị của DN cao. Do vậy mục tiêu trong thời gian tới, BioPhap cũng đang tiếp tục tìm kiếm và kêu gọi thêm các kênh đầu tư mới với mong muốn mở rộng thị trường sang khu vực EU.

Tạo cơ chế hấp dẫn đầu tư

Cùng với BioPhap, trên địa bàn tỉnh Kon Tum cũng chỉ có thêm một DN khác là Công ty TNHH Nông nghiệp xanh Măng Đen tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng theo chương trình cho vay NNS, NNUDCNC. Theo số liệu mới nhất từ Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum, đến ngày 30-6 vừa qua, chi nhánh đã thực hiện triển khai chương trình cho vay NNS, NNUDCNC đối với hai khách hàng (là hai DN nêu trên); với mức cam kết cấp tín dụng theo các hợp đồng tín dụng là khoảng 12,2 tỷ đồng.

Theo giải thích của Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum Nguyễn Bá Cầu, sở dĩ có ít DN vay vốn theo chương trình này bởi một số khó khăn, vướng mắc đã phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Theo đó, để được vay vốn, DN phải đáp ứng một số tiêu chí, như: Dự án đầu tư thực hiện trong Khu NNUDCNC đã được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Khu; hoặc Dự án trong Vùng NNUDCNC đã được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định công nhận Vùng; hoặc Dự án của DN NNUDCNC đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận là DN NNUDCNC;… Với những tiêu chí nêu trên, người dân và DN khó có thể đáp ứng, khiến đối tượng tiếp cận gói tín dụng bị hạn chế. Hiện tại, theo tìm hiểu, trong các DN trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang đầu tư NNUDCNC có rất ít DN được cấp giấy chứng nhận VietGAP hay GlobalGAP, hoặc giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, nông nghiệp là một lĩnh vực chịu nhiều rủi ro; trong đó NNUDCNC, NNS là một phương pháp sản xuất rất mới ở Việt Nam cho nên mức độ rủi ro càng cao. Vốn đầu tư cho NNCNC, NNS là nguồn vốn thương mại của ngân hàng, vì vậy để hạn chế rủi ro thì việc nhận tài sản bảo đảm là cần thiết. “Tuy nhiên tài sản hình thành từ quá trình đầu tư như nhà kính, nhà lưới vẫn chưa được ghi nhận quyền sở hữu cho nên không đủ điều kiện để nhận thế chấp, việc sử dụng tài sản khác để thế chấp thì hầu như các DN đầu tư NNUDCNC, NNS hiện nay trên địa bàn tỉnh không đủ để đáp ứng” – ông Nguyễn Bá Cầu cho biết thêm.

Cùng với yêu cầu cần phải có nguồn vốn lớn, DN sản xuất trong lĩnh vực này còn phải đối mặt với những thách thức khác đến từ thị trường tiêu thụ, quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, chi phí chứng nhận cao và thủ tục phức tạp,… Kon Tum là một trong những tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên rất tích cực trong việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ phục vụ cho sản xuất tại nhiều vùng trong tỉnh, nhất là khu vực đồng bào dân tộc ít người. Ngay từ năm 2016, tỉnh đã thành lập Khu NNUDCNC Măng Đen tại thôn Măng Đen (xã Đác Long, huyện Kon Plông) với diện tích 170 ha. Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo huyện Kon Plông, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Diện tích sản xuất trong nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt còn thấp; sức cạnh tranh của một số mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn yếu; việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm; số sản phẩm được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP, GloBalGAP hoặc hữu cơ,… rất ít so với số lượng sản xuất ra; lao động trong sản xuất nông nghiệp chưa đạt được trình độ kỹ thuật để tham gia trong các dự án, DN ứng dụng công nghệ cao…

Vì vậy, để có thể thu hút nhiều hơn nguồn đầu tư cũng như DN tham gia phát triển NNUDCNC, NNS, cần thiết phải có thêm những cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi từ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; cũng như có những cơ chế để tạo thuận lợi hơn cho dòng vốn chảy mạnh vào lĩnh vực này.

NGUỒNnhandan.com.vn
CHIA SẺ