Phát triển ngành tôm theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm

BVR&MT – Hiện nay, tỉnh Bến Tre đang tập trung phát triển nghề nuôi tôm nước lợ ở các địa phương ven biển thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn, theo hướng hợp tác liên kết chuỗi giá trị sản phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao có quy mô lớn ở huyện Thạnh Phú (Bến Tre). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp cùng với các nhà đầu tư tập trung triển khai các giải pháp để phát triển nghề nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Tỉnh khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất dựa trên các hộ, cơ sở nuôi phân tán, nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, hợp tác xã. Đồng thời xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao tập trung với quy mô 450 ha tại xã các huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú trong năm 2022.

Ông Nguyễn Thành Phong, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú chia sẻ, ông đang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao 3 vụ/năm, với 4 ao nuôi, tổng diện tích là 2 ha. Với giá tôm hiện khoảng 180.000 đồng/kg, thu hoạch 22 tấn/vụ, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông Phong thu được khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ. Theo ông Phong, việc ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm có thể đạt siêu lợi nhuận, quá trình nuôi cần phải nắm vững kỹ thuật, biết điều tiết nguồn nước, đảm bảo tôm có môi trường sống tốt.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú, ông Đào Công Thương cho hay, địa phương đang tập trung vận động nuôi tôm công nghệ cao với diện tích khoảng 800 ha. Đây là mô hình nuôi tôm rất hiệu quả, đạt chất lượng cao, có thể xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Sản lượng nuôi tôm công nghệ cao hiện đạt mức cao khoảng 40 tấn/ha/năm, gấp 3,5 lần nuôi tôm thâm canh và gấp 20 lần nuôi tôm bán thâm canh.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Nguyễn Văn Buội, Bến Tre đặt mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển công nghệ cao tại các vùng sản xuất trọng điểm trên địa bàn tỉnh vào năm 2025. Trong năm 2022, tỉnh xây dựng kế hoạch hỗ trợ và khuyến khích các hộ dân phát triển ít nhất 500 ha tôm biển công nghệ cao và thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh.

Tôm sinh trưởng khỏe mạnh trong môi trường nuôi công nghệ cao. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tỉnh Bến Tre đang xây dựng phương án quy hoạch phát triển ngành tôm giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050. Theo phương án quy hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 36.800 ha; trong đó, nuôi tôm công nghệ cao 4.000 ha; thâm canh/bán thâm canh 11.500 ha, quảng canh cải tiến 21.300 ha; diện tích nuôi tôm càng xanh xen ghép 6.000 ha. Bên cạnh đó, diện tích nuôi tôm tập trung (thâm canh, siêu thâm canh) đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ hoặc các chứng nhận tương (GlobalGAP, ASC, BAP,…) đạt khoảng 50%. Giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD.

Về định hướng phát triển, Bến Tre xây dựng vùng nuôi thâm canh ứng dụng công nghệ cao tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo sản lượng hang hóa lớn phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước gắn với truy xuất nguồn gốc. Mặt khác, tỉnh cải tiến quy trình nuôi tôm quảng canh, tôm rừng, tôm lúa để nâng cao năng suất, tạo ra sản phẩm xuất khẩu chất lượng cao và bảo vệ môi trường sinh thái…

Theo UBND tỉnh Bến Tre, trong những tháng đầu năm 2022, tình hình nuôi thủy sản của tỉnh khá thuận lợi, giá tôm nguyên liệu ổn định ở mức khá cao.Tổng diện tích nuôi thủy sản thả giống đạt 39.253 ha, tăng 6,5% so cùng kỳ; sản lượng tăng 37%; trong đó, nuôi tôm biển khoảng 30.803 ha, tăng 5,2% và sản lượng thu hoạch ước tăng 116,8% so cùng kỳ. Đáng chú ý, nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển, đến nay diện tích nuôi tôm công nghệ cao toàn tỉnh khoảng 1.700 ha.