Phát triển mới khoảng 450.000- 550.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn

BVR&MT – Theo Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 – 2030” Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành, đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha, trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000 ha và phát triển mới giai đoạn 2024 – 2030 khoảng 450.000- 550.000 ha.

Ảnh minh họa.

Bộ cũng đặt mục tiêu nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20m3/ha/năm vào năm 2025 và 22m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 – 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Kế hoạch vạch rõ 6 vùng trồng tập trung 500.000ha rừng mới. Cụ thể, vùng trung du và miền núi phía Bắc 130.000 – 146.000ha; vùng đồng bằng sông Hồng 6.000 – 9.000 ha; vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung 280.000 – 348.000 ha; vùng Tây Nguyên 25.000 – 35.000 ha; vùng Đông Nam bộ 7.500 – 10.000 ha; vùng Tây Nam bộ 1.500 – 2.000 ha.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tạo cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Đơn cử như đề xuất chính sách miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất, chính sách hỗ trợ đầu tư và tín dụng, bảo hiểm rừng trồng đối với những diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện…

Đặc biệt, ưu tiên việc tổ chức sản xuất chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng với mục tiêu thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, giai đoạn 2021 – 2025 đạt trên 0,5 triệu ha; sản lượng khai thác diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng đạt trên 3 triệu m3 /năm. Phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi, đồng bộ, từ trồng rừng, khai thác, chế biến đến tiêu thụ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và đặc điểm, lợi thế của từng ngành hàng, từng vùng; gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung.

Nghiên cứu của các chuyên gia Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho thấy, trên cơ sở áp dụng phương pháp của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), lượng carbon được hấp thụ bởi rừng nghèo khoảng 30 – 140 tấn/ha, rừng trung bình trong khoảng 175 – 320 tấn/ha và rừng giàu trong khoảng 480 – 1.000 tấn/ha.

Ngoài ra, rừng nguyên sinh có khả năng lưu giữ carbon nhiều hơn khoảng 60% so với rừng trồng. Cũng theo nghiên cứu này, trong khi rừng trồng 5 – 6 tuổi chỉ hấp thụ được khoảng 100 tấn CO2/ha mỗi năm thì rừng từ 12 – 13 năm tuổi có thể hấp thụ 300 tấn CO2/ha.

Nếu Việt Nam có thêm 1 triệu ha rừng cây gỗ lớn đang ở độ tuổi 13-15 năm, thì khả năng hấp thu khí nhà kính của diện tích rừng này lên tới 300 triệu tấn CO2/năm, tương đương với tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Trong năm 2023, Việt Nam lần đầu bán được hơn 10 triệu tín chỉ carbon, thu về hơn 50 triệu USD. Đây là tín hiệu đáng mừng cho ngành lâm nghiệp có thể tham gia thị trường tín chỉ carbon thế giới.

Hậu Thạch