Phát triển mô hình trồng keo lai ở vùng đất U Minh Hạ

BVR&MT – Tỉnh Cà Mau đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển trồng rừng nguyên liệu thâm canh ở U Minh Hạ từ 18.000 – 20.000 ha, trong đó keo lai và keo lá tràm chiếm khoảng 60%, còn lại là tràm cừ.

Nông hộ trồng rừng tại huyện U Minh thu hoạch cây keo lai. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Keo lai được xác định là một trong 6 ngành hàng được ưu tiên trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển ngành hàng keo lai, xem đây là mô hình kinh tế hiệu quả mở ra một hướng đi mới, góp phần giải quyết sinh kế, nâng cao đời sống của người dân.

Hiện nay, diện tích rừng keo lai đã trồng tập trung thay thế rừng tràm hiện có của tỉnh là 7.400 ha, chủ yếu tập trung ở huyện U Minh, trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ trồng 3.446 ha, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trồng 2.820 ha, diện tích còn lại do các đơn vị vũ trang và hộ gia đình trồng là 1.134 ha.

Theo ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, tỉnh sẽ tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp thuê rừng sản xuất trồng thâm canh cây keo lai. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ cho người dân vay vốn để phát triển trồng rừng thâm canh keo lai nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định và nâng cao đời sống của người dân vùng rừng U Minh Hạ.

Cơ quan chức năng tỉnh còn phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để đẩy mạnh tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào việc cải thiện về năng suất, chất lượng giống cây lâm nghiệp, chất lượng rừng trồng, các mô hình sản xuất hiệu quả; quy hoạch mạng lưới sản xuất cây giống lâm nghiệp, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất giống tại các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung…

Theo ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh, mô hình trồng keo lai đang khẳng định về mặt giá trị kinh tế. Do thời gian trồng, thu hoạch keo lai rút ngắn được một nửa so với trồng tràm nên nguồn thu được nâng cao.

Bình quân trồng 1 ha keo lai cho nguồn thu trên 200 triệu đồng, trong khi trồng 1 ha tràm cho nguồn thu chỉ 150 -160 triệu đồng nhưng chu kỳ khai thác kéo dài từ 7 năm trở lên.

Huyện cũng đã xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép chuyển đổi khoảng 840 ha đất nông nghiệp giao khoán trong dân sản xuất không hiệu quả để chuyển sang trồng rừng thâm canh, đặc biệt là phát triển rừng keo lai có đường kính lớn để nâng cao hơn về giá trị gỗ.

Dự kiến đến năm 2020, có trên 20% sản phẩm gỗ keo lai được khai thác từ rừng trồng tại huyện U Minh có đường kính trên 15 cm cung cấp cho chế biến gỗ lớn.

Tuy nhiên, trước khó khăn nhiều hộ dân trên địa bàn không có vốn để đầu tư cải tạo trồng rừng keo lai, UBND huyện chỉ đạo chính quyền địa phương vận động cũng như khuyến khích người dân trên địa bàn nên hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp U Minh Hạ triển khai mô hình trồng rừng keo lai theo hình thức ‘‘ăn chia’’.

Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong việc tìm thị trường và tiếp thị sản phẩm; đa dạng hóa các sản phẩm từ keo lai, tìm kiếm thị trường xuất khẩu tiềm năng để tạo dựng đầu ra ổn định lâu dài cho ngành hàng keo lai trên vùng đất U Minh Hạ, ông Dư Bé Ba cho biết thêm.

Để giải quyết đầu ra ổn định cho cây keo lai, UBND tỉnh Cà Mau khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ, xuất khẩu gỗ xây dựng các cơ sở chế biến liên kết với vùng nguyên liệu.

Đồng thời, tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng phục vụ cho chế biến, áp dụng khoa học và kỹ thuật tiên tiến vào hoạt động sản xuất lâm nghiệp; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu mặt hàng gỗ rừng trồng…

Trong thời gian qua, do việc trồng keo lai chưa có quy hoạch và định hướng cho sản phẩm nên chủ yếu sản phẩm keo lai là loại gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, dăm gỗ…

Do vậy, trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Cà Mau đã ưu tiên phát triển cây keo lai nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng theo hướng tạo nguồn nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, gắn mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.