Phát triển kinh tế rừng để giảm nghèo bền vững

BVR&MT – Những năm qua, người dân tỉnh Bắc Giang có nhiều mô hình trồng rừng phát triển kinh tế tại các xã miền núi đặc biệt khó khăn cho những kết quả cao. Lượng cây giống đủ tiêu chuẩn, rõ nguồn gốc xuất xứ, khi đưa vào sản xuất có thể hoạch đến hơn 100 triệu/ha, góp phần thúc đẩy kinh tế rừng giảm nghèo bền vững.

Cán bộ Kiểm Lâm huyện Lục Nam – Bắc Giang kiểm tra rừng trồng tại xã Vô Tranh.

Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường cùng Hạt kiểm lâm Lục Nam đã đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã Vô Tranh, huyện Lục Nam. Là xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn của huyện Lục Nam (Bắc Giang), thuộc Chương trình 135, mô hình trồng rừng được phát triển đã giúp người dân ở xã miền núi Vô Tranh có nguồn thu nhập khá, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ rừng và môi trường, đẩy nhanh xóa nghèo.

Rừng trồng đạt 110 triệu/ha

Theo chân những người trồng rừng tìm hiểu về mô hình trồng rừng, chúng tôi đi qua nhiều cánh rừng xanh phủ kín hàng ha, một màu xanh của núi rừng. Người dân xã Vô Tranh cho biết, hiện nay rừng chủ yếu trồng là cây bạch đàn và cây keo, với điều kiện khí hậu phù hợp thì chu kỳ trồng và thu hoạch là từ 4 năm đến 5 năm. Xã Vô Tranh đang từng bước xây dựng cơ sở vật chất đường giao thông đi lại thuận lợi cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế nâng cao đời sống cho người dân.

Rừng trồng tại xã Vô Tranh, huyện Lục Nam.

Ông Trần Thế Mĩ thôn Trại Lán, xã Vô Tranh chia sẻ, từ năm 2011, nhờ được tập huấn khoa học kỹ thuật chăm sóc cây, cây giống được hạt kiểm lâm kiểm soát trước khi đem vào trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích 1 ha bạch đàn, mỗi năm gia đình thu khoảng 110 triệu đồng góp phần nâng cao thu nhập của gia đình, trở thành hộ gia đình có thu nhập ổn định của thôn.

Những năm đầu trồng rừng còn khó khăn, từ năm 2011, nhờ được kiểm soát cây trồng đảm bảo chất lượng khi đem vào trồng, cán bộ kiểm lâm địa bàn tận tình hướng dẫn, kiểm tra định kỳ. Với diện tích 6 ha cây bạch đàn gia đình đang trồng. Theo chu kỳ đưa vào trồng và thu hoạch là cứ 1 năm thu hoạch 1 ha cứ thế năm tiếp theo thu hoạch và trồng mới, ông Mĩ chia sẻ.

Có lợi thế tự nhiên là diện tích đất lâm nghiệp lớn, công tác chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng được quan tâm. Năm qua toàn xã trồng mới 150 ha rừng kinh tế bằng giống mới cho hiệu quả kinh tế cao. Doanh thu từ lâm nghiệp năm 2019 đạt hơn 16 tỷ đồng, trong đó chủ yếu từ khai thác rừng kinh tế và các cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Kinh tế khởi sắc, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân từng bước nâng lên. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn hơn 16%, giảm hơn 10% so với năm trước.

Kiểm tra truy xuất nguồn gốc, chất lượng giống cây lâm nghiệp

Theo quyết định số 227/QĐ-UBND Bắc Giang ngày 14/02/2020 về hiện trạng, diện tích rừng tỉnh Bắc Giang năm 2019 với diện tích rừng sản xuất là 127.721 ha trong đó: rừng tự nhiên 28.907 ha, rừng trồng 85.809 ha, rừng mới trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng 13.005 ha.

Lãnh đạo Hạt kiểm lâm Lục Nam cho biết: Hạt kiểm lâm đã có báo cáo từ đầu năm đến đầu tháng 9, các công ty doanh nghiệp cây giống trên địa bàn đã sản xuất được hơn 1,225 triệu cây giống chủ yếu là cây keo và cây bạch đàn. Diện tích trồng rừng được hơn 1.290 ha rừng tập trung đạt 92% kế hoạch; khai thác hơn 843 ha rừng trồng tập trung với tổng khối lượng gỗ là hơn 89.954 m3.

Như vậy có thể thấy, những năm gần đây, người dân trong tỉnh Bắc Giang quan tâm trồng rừng kinh tế. Mỗi năm, toàn tỉnh trồng mới từ 7 đến hơn 8 nghìn ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều địa phương như Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế đã hình thành vùng sản xuất giống cây lâm nghiệp lớn. Điều đáng quan tâm hiện nay là kiểm soát được giống cây lâm nghiệp chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương.

Hạt kiểm lâm huyện Lạng Giang đi kiểm tra rừng trồng tại xã Hương Sơn.

Để phát huy hiệu quả giảm nghèo bền vững cho người dân tại miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn đầu tư vào sản xuất giống cây lâm nghiệp, chế biến các sản phẩm từ gỗ. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập từ phát triển tạo vùng nguyên liệu rừng với chế biến tại chỗ để hỗ trợ sinh kế cho người dân yên tâm trồng rừng đạt hiệu quả cao trong giảm nghèo bền vững.

Văn Trì