Phát triển kinh tế lâm nghiệp giúp các đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững

BVR&MT – Ngày 5/11, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó giảm nghèo bền vững cho vùng dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy công tác bảo vệ và phát triển rừng một trong những trọng tâm được đưa ra thảo luận.

Phát triển kinh tế lâm nghiệp giúp giảm nghèo bền vững.

Đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sống dựa vào rừng, việc phát triển kinh tế rừng là trụ cột để giảm nghèo bền vững. Quan tâm sâu sắc vấn đề này, Đảng, Nhà nước và Chính phủ sớm có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển trồng rừng nhanh chóng được đưa vào thực tiễn, góp phần tăng mạnh diện tích rừng trồng và lâm sản, tạo nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc miền núi, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững. Cùng với đó Quyết định 1163/QĐ-TTg ngày 08/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021” đi vào thực tiễn đã và đang nâng cao hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng thôn bản đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường rừng.

Xã hội hóa phát triển kinh tế lâm nghiệp, giao đất, giao rừng có chủ

Trong giai đoạn phát triển lâm nghiệp của Việt Nam 2006 – 2020 và giai đoạn tiếp theo vẫn là xã hội hóa, giao đất, giao rừng để rừng phải thực sự có chủ, có người quản lý, người chịu trách nhiệm, đặc biệt chủ rừng là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Những cánh rừng keo lai tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đang được chăm sóc thành những cánh rừng trồng gỗ lớn mới khai thác.

Thứ hai, ngành lâm nghiệp phải xác định là một ngành kinh tế xã hội, phải luôn tuân thủ và vận hành theo cơ chế thị trường, hài hòa thông lệ, luật pháp quốc tế. Chính việc tuân thủ nền kinh tế thị trường và luật pháp quốc tế là nền tảng quan trọng cho tốc độ tăng trưởng nhanh vượt bậc của ngành lâm nghiệp thời gian qua.

Một nhiệm vụ mà ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2006 – 2020 chưa hoàn thành cũng được Thứ trưởng Hà Công Tuấn đặc biệt lưu ý đó là việc triển khai cấp chứng chỉ rừng để quản lý nguồn gỗ hợp pháp, bởi nếu Việt Nam không thực hiện tốt công việc này thì chắc chắn vừa qua chúng ta không thể hoàn thành được việc ký kết Hiệp định VPA/FLEGT với Liên minh châu Âu.

Để hiện thực hóa được mục tiêu chiến lược phát triển lâm nghiệp, đương nhiên khoa học công nghệ, đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực lâm nghiệp, trước mắt là giống, thâm canh, chế biến là lĩnh vực quan trọng không thể thiếu trong giai đoạn tới của ngành lâm nghiệp. Từ đó thực hiện thành công công tác giảm nghèo bền vững tới các đồng bào dân tộc sống dựa vào rừng.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050

Trải qua 15 năm thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp 2006 – 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu về diện tích trồng rừng, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, đóng góp vào GDP của ngành lâm nghiệp còn thấp. Trong giai đoạn 2021 – 2030, ngành lâm nghiệp cần đặt vào thước đo giá trị mới từ chuyển đổi số và giá trị gia tăng từ trồng rừng thay vì những số liệu đơn thuần.

Trên cơ sở bài học, kết quả đạt được trong 15 năm qua của ngành lâm nghiệp. Tới nay ngành lâm nghiệp đã trải qua 3 giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn 1 từ 2006 – 2010 là chương trình chương trình trồng rừng 661, giai đoạn 2 từ 2011 – 2015 bảo vệ và phát triển rừng và giai đoạn 3 từ 2016 – 2020 phát triển ngành ngành lâm nghiệp bền vững.

Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Hội thảo tham vấn chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Sẽ có 8 nội dung cơ bản trong đề án chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Đầu tiên, phải đặt ngành lâm nghiệp trong bối cảnh Việt Nam đang trong giai đoạn chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Tiếp đến là xu thế lâm nghiệp thế giới là tạo ra những sản phẩm mới từ rừng, các sản phẩm sinh học, các sản phẩm gắn với y tế và dược, các sản phẩm các-bon từ rừng.

Cụ thể, đến năm 2025 ngành lâm nghiệp đặt mục tiêu lao động trong ngành được đào tạo 40% và 2030 là 45%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp tăng trung bình 5 – 5,5%/năm. Xuất khẩu lâm sản đạt 18 – 20 tỷ USD năm 2025 và 23 – 25 tỷ USD năm 2030. Thu dịch vụ môi trường rừng 3.500 tỷ đồng năm 2025 và trên 4.000 tỷ đồng năm 2030. Cấp chứng chỉ quản lý bảo vệ rừng 0,5 triệu ha năm 2025, 1 triệu ha năm 2030 và tỷ lệ che phủ rừng 42 – 43%.

Mục tiêu tầm nhìn đến năm 2050 xây dựng ngành lâm nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và sáng tạo, có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Văn Trì