Phát triển HTX kiểu mới: Chính sách đã đầy đủ, cần làm ngay

BVR&MT – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nhờ liên kết trong một khối là HTX kiểu mới, các hộ, xã viên cùng điều chỉnh lịch thời vụ, thực hiện một quy trình canh tác lúa và sử dụng một loại giống lúa chịu hạn tốt… không chỉ gia tăng lợi nhuận, mà còn giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu (BĐKH).

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn.

Sáng 16/4 tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương đổi mới và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã chủ trì Diễn đàn “Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL”.
Nhiều hộ đăng ký tham gia HTX kiểu mới

Sau gần 3 năm triển khai Quyết định số 445/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020”, toàn vùng đã lựa chọn 156 HTX và 19 tổ hợp tác đăng ký tham gia thí điểm. Đến nay đã có 18 tổ hợp tác đã thành lập các HTX.

Các ý kiến đồng thuận cho rằng, thích ứng với BĐKH (hay sống chung với BĐKH) là xu thế tất yếu. Trong xu thế này yếu tố con người, kỹ năng thích ứng thông qua các giải pháp “phi công trình” đóng vai trò quan trọng số một.

Cụ thể, hoạt động của HTX nông nghiệp ứng phó với BĐKH thể hiện ở các công việc tổ chức lập kế hoạch đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp nhận sáng kiến của người dân về ứng phó với BĐKH. Bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng, lựa chọn và cung ứng vật tư, phân bón, cây con giống thích hợp với điều kiện BĐKH. Tổ chức xuống giống cùng trà, cùng thời điểm. Cung cấp dịch vụ tưới tiêu và quản lý đê bao, bờ vùng, bờ thửa. Hỗ trợ thành viên tham gia chuỗi giá trị nông sản. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc, sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT), hiện nay ở tất cả các địa phương của ĐBSCL đều có những HTX nông nghiệp tổ chức cộng đồng, nông dân ứng phó với BĐKH hiệu quả, cụ thể như hàng chục các HTX nông nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tổ chức nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, có lợi nhuận ròng là 52,20 triệu đồng/ha/năm, trong khi canh tác thuần lúa nông dân chỉ có lợi nhuận ròng là 39,20 triệu đồng/ha/năm.

Nhiều hộ nông dân đã xin vào HTX nuôi tôm Cái Bát ở Cà Mau khi HTX này nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức thả giống đồng loạt, liên kết với doanh nghiệp ứng dụng quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC đã giúp nông dân nâng cao thụ nhập và đặc biệt là hạn chế rủi ro trong sản xuất.

Tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, các mô hình HTX nông nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô cả chục ngàn ha nâng cao chất lượng hiệu quả kinh tế cao.

Đại diện các HTX, các nhà khoa học đều nhấn mạnh, tại ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp không chỉ chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường, mà phải đồng thời bảo đảm thích ứng với BĐKH. Điều này càng thấy được ý nghĩa của HTX kiểu mới trong tổ chức thực hiện sản xuất đồng bộ, bền vững và gia tăng lợi nhuận cho từng xã viên.

Ông Lê Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Số cho rằng, chỉ cần sử dụng công nghệ bình dân, HTX nông nghiệp cũng có thể góp phần giảm thiểu tác động và thích nghi với BĐKH.

“Một hệ thống kiểm soát và điều khiển tưới thông minh bằng phần mềm cho các cánh đồng trồng trọt quy mô nhỏ và vừa có thể tiết kiệm nước bằng cách tưới về đêm, khi đó tỉ lệ bốc hơi của nước ít hơn, nhiệt độ đất mát hơn, cây trồng hấp thụ nước tốt hơn dẫn đến hiệu quả tưới cao hơn, tưới ít mà năng suất, việc tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước cũng sẽ là đáng kể cho HTX nông nghiệp”, ông Lê Hoàng Anh cho biết.

Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, một số HTX đề nghị Chính phủ ban hành riêng một nghị định về phát triển HTX gắn với ứng phó BĐKH; các bộ, ngành triển khai hiệu quả các nghị định của Chính phủ về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,… để các HTX nông nghiệp vay vốn đầu tư thuận lợi hơn. Ngoài ra, các bộ, ngành Trung ương có chính sách phát triển đội ngũ tư vấn cho các HTX nông nghiệp hoạt động theo mô hình mới và thích ứng với BĐKH.

Toàn cảnh diễn đàn.

Phát triển HTX: Vai trò của địa phương, doanh nghiệp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá quy mô HTX nông nghiệp trong vùng đã tăng về thành viên, vốn và diện tích. Tuy tốc độ tăng thành viên còn nhỏ nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp của vùng cao hơn các khu vực khác của cả nước, đạt 1,07 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận đạt 154 triệu đồng/năm.

Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị chính quyền, các doanh nghiệp và HTX tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn việc phát triển HTX nông nghiệp theo cơ chế thị trường và thích ứng với BĐKH để củng cố vai trò chiến lược về sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, quán triệt rõ hơn vai trò của HTX kiểu mới, không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình để chính quyền, doanh nghiệp vun đắp, phát triển các mô hình mới này.

“Nếu Nhà nước bỏ mặc HTX tự phát triển là sai lầm. Phải tạo điều kiện HTX phát triển theo thị trường và gia tăng sự trợ giúp của doanh nghiệp vì chính lợi ích của doanh nghiệp. Động cơ của HTX là lợi ích, liên kết thay vì hoạt động cá thể”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Qua khảo sát tại xã Mỹ Đông 2 vào chiều hôm qua, Phó Thủ tướng cho rằng, nhờ liên kết trong một khối, các hộ, xã viên cùng điều chỉnh lịch thời vụ, thực hiện một quy trình canh tác lúa và sử dụng một loại giống lúa chịu hạn tốt không chỉ gia tăng lợi nhuận mà còn giảm thiểu tác động BĐKH.

Trưởng Ban Chỉ đạo cũng nêu rõ vai trò đi đầu, quan trọng của địa phương và doanh nghiệp để chăm lo, phát triển HTX với hàng loạt các chính sách như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các Nghị định số 57/2018/NĐ-CP, 58/2018/NĐ-CP và 116/NĐ-CP về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, chính sách tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp,…

“Chính sách đã có nhiều rồi và giờ phải hành động thôi. Địa phương phải coi trọng phát triển HTX về chất lượng chứ không chỉ chạy theo số lượng bằng các kế hoạch chi tiết, cụ thể, phân quyền cho từng cấp như cách làm của Đồng Tháp”, Trưởng Ban Chỉ đạo nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có việc xoá nợ khê đọng của HTX kiểu cũ, tạo thuận lợi cho HTX chuyển đổi sang mô hình mới; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định tổ chức hoạt động của Quỹ HTX Trung ương và địa phương, có việc bảo lãnh tín dụng cho HTX vay vốn.

Các địa phương dùng nguồn vượt thu hằng năm để bổ sung cho Quỹ phát triển HTX địa phương để nuôi dưỡng các HTX hoạt động hiệu quả, tạo ra nguồn thu lâu dài cho địa phương và xã viên.

Bộ NN&PTNT nghiên cứu triển khai một hội nghị chuyên đề về tín dụng cho nông nghiệp, trong đó có HTX; nghiên cứu xây dựng nghị định riêng của Chính phủ về HTX nông nghiệp.

Bộ KH&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn về hoạt động của kinh tế trang trại, giúp liên kết giữa các hộ nông dân, kinh tế trang trại với HTX. Các Bộ KH&CN và TN&MT phối hợp xây dựng môi trường sáng tạo – khởi nghiệp cho các HTX.