Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Cơ tu

BVR&MT – Đến làm việc với Phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang trong những ngày cuối năm 2020 về việc phát triển kinh tế cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số tại Xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Chúng tôi không khỏi bất ngờ và vui mừng trước những đổi thay trong cuộc sống từ phát triển kinh tế từ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ tu trong những năm gần đây.

Hiện nay, đồng bào dân tộc Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng có khoảng 1250 người, sinh sống ở ba thôn: Tà Lang, Giàn Bí và Phú Túc thuộc xã Hòa Bắc. Đây là cộng đồng người dân tộc thiểu số với truyền thống phong tục sống du canh du cư, đã về định cư và sống ở huyện Hòa Vang từ đầu năm 1990 đến nay. Hòa Bắc là một vùng đất có tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Để tạo điều kiện sinh kế và việc làm cho người dân nơi đây, UBND huyện Hòa Vang đã hỗ trợ về vốn, đồng thời tìm kiếm thêm sự giúp đỡ, tư vấn từ các chuyên gia về du lịch để giúp họ phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng dựa trên cơ sở nền tảng văn hóa truyền thống của người dân tộc Cơ tu và lập thế sinh thái tự nhiên ở nơi đây.

Lễ khởi động dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng trong quản lý TNTN góp phần bảo vệ ĐDSH khu BTTN Bà Nà Núi Chúa, bảo tồn và phát huy tri thức truyền thống, văn hóa dân tộc Cơ tu và phát triển du lịch sinh thái, thành phố Đà Nẵng tại xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang, Đà Nẵng”.

Theo anh Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng văn hóa – thông tin huyện Hòa Vang cho biết: Đề án phát triển du lịch cộng đồng đã được triển khai cách đây 5 năm nhưng chính thức hoạt động hiệu quả cách đây khoảng 2 năm. Thời gian đầu triển khai tại các địa phương, đồng bào dân tộc tại các thôn Tà Lang, Giàn Bí đã gặp phải rất nhiều khó khăn về vốn cũng như các kinh nghiệm trong việc tổ chức, triển khai và xây dựng các loại hình du lịch, hoạt động kinh doanh du lịch lưu trú cộng đồng tại địa phương.

Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của UBND huyện Hòa Vang, trong việc hỗ trợ vay vốn, mời các chuyên gia tư vấn về du lịch cộng đồng tại thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tạo sự kết nối với khách du lịch tại thành phố Đà Nẵng, trong nước và quốc tế. Đến nay các điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại hai thôn Tà Lang và Giàn Bí rất phát triển.

Khách du lịch chụp ảnh lưu niệm cùng đồng bào dân tộc Cơ tu.

Anh Tân hào hứng chia sẻ: Hộ ông Đinh Văn Như ở thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc – Hòa Vang sau khi được hỗ trợ ba trăm triệu đã xây dựng homestay để phục vụ khách du lịch. Hiện nay đã có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan và lưu trú dài ngày tại các điểm du lịch sinh thái thuộc các thôn của đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ tu đang sinh sống tại xã Hòa Bắc huyện Hòa Vang.

Cùng với việc triển khai phát triển du lịch, Phòng văn hóa – thông tin huyện Hòa Vang đã phục dựng các phong tục tập quán và lễ hội đặc sắc như: nghệ thuật điêu khắc gỗ, nghề dệt thổ cẩm, nghệ thuật cồng chiêng và một số nghề truyền thống để phục vụ du lịch cộng đồng.

Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ là nét độc đáo của văn hóa dân tộc người Cơ tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Các homestay mở ra tại xã Hòa Bắc đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một lực lượng lao động trực tiếp tại homestay và nhiều công việc khác cho các lao động gián tiếp. Khi hoạt động du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng phát triển, các dịch vụ kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển như: ăn uống, thuyết minh, hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ vận chuyển… cũng đã giải quyết vấn đề lao động cho nhiều người.

Homestay rực rỡ về đêm giữa thiên nhiên hoang dã thu hút du khách đến tham quan nghỉ dưỡng

Bên cạnh đó, việc mua bán các sản vật của địa phương như: gà, rau trái, đặc sản rừng và các sản phẩm địa phương như đan lát, vải thổ cẩm được bày bán rất nhiều tạo nguồn thu nhập cho người dân. Vào các ngày nghỉ lễ, khách du lịch kéo đến đây rất nhiều là một hướng hứa hẹn cho việc phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc Cơ tu. Hiện nay hai thôn Tà Lang và Giàn Bí đang phát triển mạnh về du lịch cộng đồng, trong thời gian tới, Phòng văn hóa – thông tin huyện Hòa Vang sẽ mở thêm nhiều cơ sở du lịch khác để giải quyết việc làm cho nhiều lao động hơn, qua đó giúp đời sống người dân đồng dân tộc Cơ tu tại huyện Hòa Vang phát triển.

Thiên nhiên, phong cảnh Hòa Bắc với nét đẹp hoang dã, trữ tình làm mê lòng người.

Tuy nhiên, anh Tân cũng chia sẻ thêm về những điều anh còn trăn trở trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các thôn thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đó là: Việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các thôn thuộc xã Hòa Bắc vẫn đang gặp một số khó khăn do khai thác du lịch trên đất rừng. Bà con người dân tộc đang sống trên đất rừng nên khi phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cần có những công trình tạm để nghỉ chân (ví dụ những lúc đi vào rừng, tắm suối) thì mới khai thác tốt tiềm năng du lịch ở nơi đây. Nhưng hiện nay, việc xây dựng công trình trên đất rừng vẫn chưa có quy định rõ ràng và cụ thể nên rất khó để triển khai xây dựng các công trình tạm nhằm phục vụ mục đích du lịch. Chính vì vậy, Phòng VHTT huyện Hòa Vang đang có kiến nghị, tham mưu với UBND thành phố Đà Nẵng nhằm tháo gỡ vướng mắc trong vấn đề này, giúp bà con phát triển du lịch hiệu quả hơn, nhằm có thu nhập tốt hơn cho người dân địa phương.

Khi du lịch sinh thái, cộng đồng phát triển sẽ kéo theo các nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, nghệ thuật múa cồng chiêng, điêu khắc gỗ, lễ hội… là những bản sắc văn hóa độc đáo của người dân tộc Cơ tu, đều là sản phẩm gia tăng phục vụ du lịch cũng là điểm nhấn độc đáo, thú vị thu hút khách du lịch tìm đến các địa điểm du lịch sinh thái, cộng đồng tại địa phương. Góp phần cho sự phát triển và phục hồi các bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần gia tăng thu nhập và ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc Cơ tu ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Khách du lịch thú vị chụp ảnh trước Nhà gươl, loại nhà truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Cơ tu huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Chị Trần Thị Một, Phó Bí thư Đoàn thanh niên thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, cho biết: Từ sự phát triển của du lịch sinh thái, cộng đồng tại địa phương, kéo theo nhu cầu mua các sản phẩm lưu niệm của du khách do người dân tộc Cơ Tu làm ra từ dệt vải thổ cẩm. Chị đã vận động các phụ nữ trong thôn tham gia học dệt và thành lập tổ hợp tác của hai thôn Tà Lang – Giàn Bí do chị làm tổ trưởng cùng với mười chị em phụ nữ khác tham gia; Vượt qua những khó khăn ban đầu, những sản phẩm được làm từ vải thổ cẩm, dệt ra từ tay những phụ nữ dân tộc người Cơ tu đã được các du khách khi đến tham quan du lịch tại nơi đây ưa thích chọn mua, góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Tác giả bài viết và cô Trần Thị Một, Phó Bí thư Đoàn thanh niên thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang trong một lễ hội được tổ chức tại huyện Hòa Vang.

Chia tay với anh Tân, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Hòa Vang, đọng lại trong tôi là cảm xúc vui mừng cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số người Cơ Tu tại huyện Hòa Vang ngày một phát triển. Với hi vọng một năm mới sắp về, khi tình hình Covid -19 được kiểm soát tốt, khách du lịch sẽ biết và tìm đến khu du lịch sinh thái, cộng đồng ở xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang để tận hưởng một không khí trong lành từ những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những con suối trong veo chảy róc rách. Tận hưởng một không khí trong lành, thăm thú nhiều cảnh đẹp mát rượi với thiên nhiên hoang dã giữa núi đồi và thưởng thức những đặc sản thú vị, những món ăn đặc sắc, cùng những văn hóa và phong tục độc đáo của người đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Hồng Sơn