Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

BVR&MT – Những năm gần đây, du lịch của tỉnh có bước phát triển, số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch được mở rộng cả về số lượng và quy mô… Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, do đó, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là giải pháp cần thiết để phát triển du lịch bền vững.

Cảnh quan tại các điểm du lịch đảm bảo xanh – sạch – đẹp.

Là những điểm du lịch hằng năm thu hút đồng đảo khách du lịch đến tham quan, 3 khu di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh (Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950) luôn quan tâm công tác bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp nhằm tạo ấn tượng tốt cho du khách đến tham quan.

Giám đốc Ban Quản lý các khu di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Đào Văn Mùi cho biết: Hằng năm, các điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, học tập, đặc biệt, những năm gần đây, nhờ được đầu tư, tôn tạo, lượng du khách đến với các khu di tích ngày một tăng, kéo theo đó là rác thải phát sinh ngày càng lớn. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh – sạch – đẹp, ngoài việc quan tâm đầu tư xây dựng các khuôn viên, đường đi, sạch đẹp, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, bố trí các thùng rác tại các điểm, Ban Quản lý phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, người lao động. Dọc tuyến đường vào tham quan các điểm du lịch, Ban Quản lý bố trí các thùng đựng rác, các biển tên… nhằm tuyên truyền du khách thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon, xả rác bừa bãi ra môi trường. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường trên hệ thống truyền thanh để người dân trong khu di tích và du khách nâng cao ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Treo, dán các băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền về bảo vệ môi trường tại các địa điểm tham quan. Bố trí đủ các thùng rác ở vị trí thuận tiện cho khách bỏ rác, lựa chọn địa điểm tập kết rác thải đảm bảo hợp vệ sinh, mỹ quan. Tổ chức ký cam kết giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường với các hộ kinh doanh và các hộ dân trong khu di tích.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Thế Vinh cho biết: Xác định môi trường đóng vai trò quyết định trong việc phát triển du lịch, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp bảo vệ môi trường, góp phần tạo cảnh quan, hướng đến một nền du lịch xanh, bền vững. Cùng với tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn về bảo vệ môi trường cho cán bộ, nhân dân địa phương, nhất là các địa phương có khu, điểm du lịch, Sở phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường để xử lý kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa và mua mới các trang thiết bị như: thùng đựng rác, xe vận chuyển rác, dụng cụ vệ sinh…; tăng cường nhân lực phục vụ công tác vệ sinh môi trường. Ký kết hợp đồng với đơn vị chức năng trên địa bàn thu gom toàn bộ rác thải, vận chuyển đến nơi quy định để xử lý; không thực hiện biện pháp đốt, chôn lấp rác thải trong các khu di tích; không để rác thải gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.

Các khu, điểm du lịch đều có nhà vệ sinh công cộng và đầu tư thùng rác các loại; thành lập đội vệ sinh môi trường chuyên cắt tỉa, chăm sóc cây xanh, thu gom, vận chuyển rác từ các điểm du lịch đến nơi tập kết rác thải. Nhờ làm tốt công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nên môi trường ở các khu, điểm du lịch luôn sạch sẽ, không có tình trạng ô nhiễm, gây mất mỹ quan khu vực, góp phần tạo ấn tượng tốt với du khách.

Để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp, an toàn, thân thiện với du khách là một trong những yếu tố có tính quyết định. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện chính sách quản lý và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững; triển khai Đề án xây dựng hệ thống xử lý, phân loại rác thải tại các khu, điểm du lịch… Tăng cường hướng dẫn các điểm đến thực hiện giải pháp văn minh du lịch, xây dựng môi trường xanh, sạch trong khuôn viên điểm tham quan; tuyên truyền cho người dân và du khách thực hiện ứng xử văn minh du lịch; đa dạng sản phẩm mang tính trải nghiệm, hướng du khách vào các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức ký kết phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thực hiện nghiêm những quy định về bảo vệ môi trường. Đối với các nhà hàng, khách sạn sử dụng công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt là các homestay gần khu, điểm du lịch. Việc xây dựng những cơ sở lưu trú cần tuân thủ đúng quy định, không phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh…

Phát triển du lịch hiệu quả, bền vững là mục tiêu của ngành du lịch Cao Bằng, vì vậy, việc tạo dựng môi trường du lịch xanh – sạch – đẹp, an toàn, thân thiện sẽ là một trong những giải pháp giúp Cao Bằng đạt mục tiêu đón trên 3 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025.