Phát triển công nghiệp văn hóa trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”

BVR&MT – Chiều 14/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trong chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trình bày chuyên đề tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các học viên đã được nghe PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam trình bày chuyên đề về công nghiệp văn hóa Hà Nội – thành phố thiết kế sáng tạo và vai trò của báo chí trong thúc đẩy sự sáng tạo.

Chuyên đề gồm 3 phần: Định vị Hà Nội trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; Lý giải vì sao Hà Nội gia nhập vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thiết kế; Vai trò của truyền thông, báo chí trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu thành phố thiết kế sáng tạo.

Ngày 22/2/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết gồm 4 phần: Tình hình; quan điểm, mục tiêu; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; tổ chức thực hiện.

Đáng lưu ý, Nghị quyết đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa. Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ. Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa. Thu hút và hỗ trợ đầu tư. Mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa. Tập trung xây dựng, phát triển và định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo” của UNESCO.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Để đạt mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Sơn Tinh

Tags:
CHIA SẺ