BVR&MT – Chăn nuôi ngày càng đem lại tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng đàn vật nuôi lớn, mật độ cao và thực trạng chăn nuôi xen kẹt trong khu dân cư lại là gánh nặng đối với môi trường.
Chăn nuôi ngày càng đem lại tỷ trọng cao trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng đàn vật nuôi lớn, mật độ cao và thực trạng chăn nuôi xen kẹt trong khu dân cư lại là gánh nặng đối với môi trường. Việc xây dựng, nhân rộng những mô hình chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường đang được ngành chuyên môn và đông đảo hộ sản xuất quan tâm.
Chăn nuôi gia súc lớn không chất thải
Với đàn trâu, bò khoảng 40 nghìn con, đàn lợn khoảng 500 nghìn con, lượng chất thải hàng ngày ở các trang trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh rất lớn. Trong khi đó, việc xử lý chất thải bằng bể bi ô ga ở nhiều hộ chưa hiệu quả, chất thải vẫn gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận hộ chăn nuôi khác không xử lý chất thải, chỉ sử dụng một phần cho trồng trọt, phần lớn thải trực tiếp ra cống rãnh, sông, hồ.
Nhiều trang trại với quy mô lớn vừa chăn nuôi bò, vừa chăn nuôi lợn với số lượng vài trăm con. Ba năm trở lại đây, chủ trang trại đã sử dụng hệ thống thu, ép chất thải gia súc để xử lý triệt để chất thải, bảo vệ môi trường. 100% chất thải gia súc của trang trại được thu vào bể sau mỗi lần rửa chuồng, đưa lên máy ép. Phân ép khô được đóng vào bao, bán cho các hộ trồng trọt.
Nước thải được ủ, trở thành phân bón cho diện tích hơn 5 mẫu trồng cỏ nuôi bò. Từ khi áp dụng hệ thống này, trang trại chăn nuôi hàng trăm con gia súc lớn không có chất thải dư thừa ra môi trường. Hoạt động chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học giúp giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Mỗi lần bán phân ép khô, trang trại lại có thêm nguồn kinh phí để tái sản xuất.
Loại máy ép này đã được sử dụng trên nhiều năm nay, chi phí cho mỗi máy khoảng 100 triệu đồng, phù hợp với các trang trại chăn nuôi gia súc quy mô từ 100 con trở lên. Các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ liền kề có thể liên kết với nhau trong việc thu gom, xử lý chất thải để giảm chi phí đầu tư và tăng hiệu quả xử lý.
Nuôi gia cầm trên đệm lót sinh học
Vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo vệ hoạt động chăn nuôi bền vững, đó là mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học .
Áp dụng đệm lót sinh học, mô hình sản xuất của các chủ trang trại lớn mới thực sự bền vững. Nhiều chủ trang trại chia sẻ đã sử dụng trấu, mùn cưa, một phần bột ngô hoặc cám gạo, trộn với men vi sinh, tạo thành hỗn hợp đệm lót trải xuống nền chuồng. Khi gà thải phân xuống, vi sinh vật sẽ tự động phân hủy phân. Mỗi lứa 2 nghìn con gà Đông Tảo lai, kết hợp vận hành máy ấp trứng, bán gà giống, trứng giống, nhiều năm không có dịch bệnh xảy ra.
Trên thực tế, việc sử dụng đệm lót sinh học đem lại lợi ích kép cho người chăn nuôi, vừa xử lý chất thải tại chỗ, mùa đông tăng nhiệt cho chuồng trại, lại không gây mùi hôi trong quá trình chăn nuôi. Sau mỗi lứa sản xuất, đệm lót trở thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng, được người trồng cây ăn quả, cây cảnh đến tận nơi thu mua. Trong các dãy chuồng gà khép kín thì đàn gà phát triển khỏe mạnh, đẻ trứng to và đều, chuồng trại luôn thoáng sạch.
Loại đệm lót sinh học này có thể thay đổi linh hoạt cho từng đối tượng gia cầm, từ gà, vịt, chim cút… Đồng thời áp dụng cho cả chuồng kín và chuồng hở. Tuy nhiên việc áp dụng đệm lót sinh học mới chỉ được thực hiện ở một bộ phận các hộ chăn nuôi quy mô lớn. Nhiều người e ngại chi phí cao. Song, trên thực tế, chi phí cho đệm lót sinh học sẽ được hoàn lại khi đệm lót trở thành phân hữu cơ bán cho hộ trồng trọt với giá 15 – 30 nghìn đồng/bao (sử dụng vỏ bao đựng cám 25kg).
Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, cơ giới hóa trong xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm bi ô ga trên địa bàn tỉnh đạt 85%; dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm đạt gần 56%; khoảng trên 30 hộ chăn nuôi đang sử dụng máy tách, ép phân gia súc. Trong giai đoạn 2017 – 2020, thông qua một số dự án khuyến nông, tỉnh đã hỗ trợ hơn 20 hộ chăn nuôi mua máy tách, ép phân gia súc.
Năm 2021, các dự án chăn nuôi an toàn sinh học có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ người chăn nuôi kinh phí, kỹ thuật để đầu tư và vận hành máy xử lý phân gia súc, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm. Nông dân quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với các phòng nông nghiệp và PTNT, phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố để được tư vấn, hỗ trợ. Đây là hướng đi mà các địa phương, nông hộ và cộng đồng đều mong muốn được các cấp, các ngành, đơn vị chuyên môn quan tâm, hỗ trợ để nông dân sản xuất bền vững, an toàn hơn.
Vương Huyền – Đình Trà