BVR&MT – Sản xuất ra hàng loạt các sản phẩm thiết yếu nhưng ngành cao su tự nhiên toàn cầu lại chưa chú ý tới vấn đề minh bạch và các cam kết bền vững để bảo vệ cả con người và động vật hoang dã. Đây là phát hiện trong báo cáo do Hiệp hội động vật học London (ZSL) thực hiện qua Bộ công cụ minh bạch chính sách bền vững (SPOTT).
SPOTT đánh giá 15 công ty sản xuất và chế biến cao su (chiếm 13,5% diện tích đất trồng cao su toàn cầu) theo 120 chỉ số minh bạch. Phân tích được công bố cuối tháng 11 cho thấy chỉ 35% đạt điểm trung bình. Điều này cho thấy ngành cao su tự nhiên cũng không khác gì lắm các ngành khác, chẳng hạn như dầu cọ, và nhiều tổ chức bảo tồn đã lặp lại lời kêu gọi yêu cầu các công ty phải thực hiện nhiều động thái hơn để cải thiện tính bền vững của ngành và hạn chế tác động đến động vật hoang dã.
Đáng chú ý là mặc dù các công ty đã cam kết với một số chính sách về môi trường, xã hội hoặc quản trị (ESG) nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy những cam kết này được thực hiện: 11/15 công ty (tương đương 73%) cam kết bảo tồn đa dạng sinh học trong khi chỉ có 4/15 công ty (27%) xác định các loài quan tâm bảo tồn và chỉ 7/15 công ty (47%) đưa ra được các ví dụ về quản lý bảo tồn loài hoặc sinh cảnh. Xác định các loài có nguy cấp sống trong diện tích đất thuộc công ty thường là bước đầu tiên để bảo vệ chúng tốt hơn.
Eszter Wainwright-Deri, Điều phối viên nghiên cứu SPOTT thuộc ZSL, cho biết: “Sau khi áp dụng thành công mô hình SPOTT vào các ngành dầu cọ, gỗ và bột giấy, chúng tôi đã mở rộng sang lĩnh vực cao su do những tác động mà ngành này đang gây ra với động vật hoang dã và con người trên khắp châu Á”.
“85% cao su tự nhiên của thế giới do các hộ gia đình sản xuất ra, điều quan trọng đối với các công ty là không chỉ tập trung vào tính bền vững trong hoạt động của riêng mình mà còn hỗ trợ tất cả các nhà cung cấp, bao gồm cả các hộ gia đình.
“Mặc dù một phần khá lớn các công ty nhận thức được điều này nhưng chỉ có 4/14 công ty (29%) đưa ra được thông tin hoặc bằng chứng về cách họ hiện đang tham gia hoặc đánh giá việc hỗ trợ hộ gia đình. Điều này mang tính sống còn nếu chúng ta muốn đảm bảo toàn bộ ngành cao su tự nhiên – bao gồm cả các hộ sản xuất nhỏ – trở nên bền vững hơn”.
Cây cao su (Hevea brasiliensis), một loại cây nhiệt đới có nguồn gốc từ Mỹ Latinh, được trồng chủ yếu ở các vùng nhiệt đới châu Á, chỉ riêng sáu quốc gia gồm Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc cung cấp tới 95% sản lượng toàn cầu. Diện tích trồng cao su ở các nước này là gần 12 triệu ha.
Sự phát triển nhanh chóng của độc canh cao su tự nhiên quy mô lớn ở Đông Nam Á trong ba thập kỷ qua đã dẫn đến việc rừng tự nhiên vốn giàu có động vật hoang dã bị chuyển đổi để nhường chỗ cho cây cao su, ảnh hưởng đến sinh cảnh của các loài động vật hoang dã nguy cấp như voọc bạc (trachypithecus cristatus) và voi châu Á (elephas maximus).
Nhật Anh (Theo Eco-business)