Phát triển các công ty nông lâm trường một cách thực sự bền vững, hiệu quả

BVR&MT – Ngày 18/11, tại Hà Nội, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ – Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban kinh tế Trung ương Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và doanh nghiệp, công ty nông lâm trường.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đến năm 2012, cả nước còn trên 650 nông, lâm trường, ban quản lý rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng gần 8 triệu ha đất. Đến nay, cả nước còn gần 260 công ty nông, lâm nghiệp, quản lý gần 1,86 triệu ha, chiếm 10% đất nông nghiệp cả nước.

Theo 6 mô hình sắp xếp mà Nghị quyết số 30 đã quy định, tính đến ngày 30/6/2019 đã có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới.

Còn 69/256 công ty (chủ yếu là cổ phần hóa và chuyển thành công ty TNHH hai thành viên trở lên là 56/69 công ty), gồm: 44 công ty nông nghiệp, 25 công ty lâm nghiệp đang thực hiện sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới trong năm 2019, chiếm 26,95% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, còn 27/256 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

Với kết quả như trên, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là tỷ lệ khá cao so với nhiệm vụ sắp xếp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nói chung và đề nghị các đại biểu làm rõ tính hiệu quả và phù hợp của các mô hình, nhất là mô hình công ty TNHH hai thành viên trở lên là một điểm mới của Nghị quyết 30 nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.

Theo báo cáo, trước sắp xếp, đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24,8 nghìn tỷ đồng (bình quân 96,89 tỷ đồng/công ty), tổng doanh thu 21,98 nghìn tỷ đồng (bình quân 85,85 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 3,52 nghìn tỷ đồng. Sau sắp xếp đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp đã tăng lên là 27,84 nghìn tỷ đồng (bình quân 127,1 tỷ đồng/công ty), tuy nhiên tổng doanh thu giảm còn 14,97 nghìn tỷ đồng (bình quân 68,35 tỷ đồng/công ty), lợi nhuận sau thuế 2,27 nghìn tỷ đồng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề, “1,8 triệu ha đất này đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam, thậm chí, làm sao để nông lâm trường dẫn dắt nông nghiệp Việt Nam phát triển, nhất là phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống của nhân dân, đồng bào dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của vùng biên cương”.

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì cùng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ hoàn thiện báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Bộ Chính trị.

Thủ tướng chỉ rõ sự chỉ đạo của các địa phương chưa đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt. Có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, còn tình trạng lợi ích nhóm, gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân.

Phương án sử dụng đất các nông lâm trường theo Nghị quyết 30 là đến năm 2015 phải hoàn thành nhưng đến nay vẫn còn 13 địa phương làm chưa xong, Thủ tướng cho rằng đây là khuyết điểm cần khắc phục.

“Các nông lâm trường với sự chỉ đạo của địa phương, của các cơ quan chức năng, nhất là Bộ NN&PTNT phải đánh thức, khơi dậy, phát huy hiệu quả những tiềm năng thế mạnh, nguồn lực đất đai hiện có”, Thủ tướng nói. Các nông lâm trường thực hiện nhiệm vụ chính trị cũng như 3 sứ mệnh: Là động lực mới của nền kinh tế; là một bộ phận quan trọng của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và là phương tiện công cụ quan trọng để đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đặc biệt khó khăn vào cuộc sống.

Để phát triển các công ty nông lâm trường một cách thực sự bền vững, hiệu quả, theo Thủ tướng, phải có cơ chế chính sách khơi thông, có giải pháp quản lý thật sự chặt chẽ, hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài nguyên rừng, nguồn nhân lực tại chỗ, trong đó có 3 nguyên tắc rất quan trọng.

Đó là đất đai và tài nguyên rừng phải được giao cho những chủ thể trực tiếp để quản lý sử dụng hiệu quả. Nghiêm cấm tình trạng phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. Thứ hai là quan tâm đặc biệt đến tạo việc làm, đảm bảo sinh kế cho người dân địa phương, nhất là đồng bào thiểu số, góp phần giải quyết tốt vấn đề tái định cư gắn với quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ phát triển rừng. Thứ ba là thu hút mạnh đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng sản xuất nông lâm, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, thâm canh, ứng dụng công nghệ gắn với công nghiệp chế biến.

Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng cũng nêu 3 điểm lớn. Trước hết là tập trung chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty nông lâm nghiệp theo Nghị quyết 30. Hoàn thành việc sắp xếp các công ty nông lâm nghiệp trong năm 2020. “Mục tiêu này không thể chậm hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các công ty nông lâm nghiệp đã hoàn thành việc sắp xếp thì hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng hiệu quả các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề sử dụng đất, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xử lý các trường hợp cho thuê, mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết trái pháp luật.

Về các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ làm tốt hơn nữa công tác tư tưởng nhận thức và thông tin tuyên truyền, nhất là cấp cơ sở. Không còn tư tưởng bao cấp, tư tưởng dựa vào đất đai của Nhà nước để làm lợi cá nhân mà Nhà nước không quản lý được. “Phải có giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo việc làm, sinh kế cho đồng bào, nhất là người dân địa phương”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh “đừng để tình trạng đất do Nhà nước quản lý thì thừa nhưng người dân bị thiếu đất nghiêm trọng, phải đi làm thuê, làm mướn”.

Rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp, đổi mới công ty nông lâm nghiệp; ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sớm hoàn thiện việc sắp xếp lại, nhất là giải quyết được những vướng mắc, bức xúc hiện nay.

Làm tốt công tác cán bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, làm sai, lợi ích nhóm, tham nhũng lãng phí, đặc biệt là đừng để tình trạng làm chậm chạp như thời gian vừa qua.

Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ lại và thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới các Tổng công ty cà phê, cao su, lâm nghiệp vì đây là những doanh nghiệp rất lớn, quản lý nhiều đất đai, cần làm nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống, việc làm cho người dân trên địa bàn.

Cho rằng các địa phương có trách nhiệm rất lớn, Thủ tướng yêu cầu phải làm mạnh hơn, giải quyết các tồn tại, nhất là tồn tại về đất đai, chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện nhiệm vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính, đưa ra các phương án với từng lâm trường cụ thể.