Phát triển bền vững vùng Tây Bắc

BVR&MT – Vùng Tây Bắc có diện tích rộng lớn, với gần 110 nghìn km2. Đây là vùng có nhiều tiềm năng nhưng còn chậm phát triển cho nên cần có những giải pháp nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) vào thực tiễn hiệu quả, nhằm tạo cơ sở phát triển bền vững kinh tế – xã hội.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, sản phẩm cam sành Hà Giang đã trở thành thương hiệu được ưa chuộng trên thị trường. Trong ảnh: Người dân xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang, Hà Giang) thu hoạch cam. Ảnh: MẠNH HÙNG

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) Nguyễn Kim Sơn cho biết, trước nhu cầu phát triển, từ năm 2013 đến tháng 11/2017, ĐHQGHN chủ trì triển khai Chương trình KH và CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Quá trình triển khai đã tuyển chọn, phê duyệt và tổ chức thực hiện được 55 đề tài và ba dự án cho bốn nhóm mục tiêu phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Việc triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học đã thu hút được sự quan tâm, tham gia và phát huy sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp đến từ nhiều tổ chức KH và CN. Để đưa KH và CN đến với Tây Bắc, việc xây dựng các cơ sở dữ liệu tích hợp, liên ngành giúp hiểu được vùng Tây Bắc trong các lĩnh vực: Điều kiện tự nhiên; tài nguyên thiên nhiên; đa dạng sinh học; môi trường;… được chú trọng. Trong số các đề tài, dự án được triển khai của ĐHQGHN thời gian qua, có 18 đề tài đã được nghiệm thu cấp Nhà nước, chuyển giao cho 14 tỉnh trong vùng. Các sản phẩm KH và CN của chương trình Tây Bắc đã đóng góp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội bền vững vùng Tây Bắc.

Mặt khác, các nhà khoa học đã tiến hành điều tra hiện trạng dữ liệu, nhu cầu sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành tại UBND 14 tỉnh, 210 sở, ngành (của 14 tỉnh) và hơn 700 phiếu điều tra đến cấp huyện thuộc địa bàn nghiên cứu để làm cơ sở thiết kế, xây dựng khung cấu trúc cơ sở dữ liệu liên ngành phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Một số kết quả và sản phẩm nghiên cứu đáng chú ý như: Xây dựng chuỗi mô hình cung ứng sản phẩm lâm sản đặc sản xuất khẩu tại Sơn La, Yên Bái; nghiên cứu nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Sơn La, Điện Biên, Lai Châu; đánh giá tổng thể các bồn địa nhiệt vùng Tây Bắc; nghiên cứu xây dựng mô hình và hệ thống dự báo thời tiết tiểu vùng và cảnh báo nguy cơ lũ quét; nghiên cứu dược liệu táo mèo, hà thủ ô đỏ, cốt khí củ tại Lai Châu, Lào Cai; du lịch sinh thái tại Hòa Bình, Lào Cai,…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, từ thực tiễn của địa phương cho thấy, chương trình KH và CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc đã tạo luận cứ khoa học quý báu trong hoạch định chính sách, ứng dụng để phát triển sản xuất, quản lý xã hội phù hợp điều kiện tình hình thực tế của mỗi địa phương, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Các kết quả nghiên cứu đi vào thực tiễn vấn đề địa phương đang phải giải quyết như: Sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các sản phẩm nông, lâm sản theo chuỗi giá trị;… Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở KH và CN tỉnh Hà Giang Vũ Văn Vương cho biết, từ việc triển khai các nghiên cứu khoa học đã góp phần giúp tỉnh thực hiện thành công giải pháp: “Đột phá về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống” phục vụ phát triển kinh tế – xã hội – an ninh quốc phòng. Đại diện Sở KH và CN Hòa Bình thì cho rằng, hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành từ các kết quả nghiên cứu của chương trình KH và CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, tạo nền tảng cho quản lý và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển trong tương lai của địa phương. Trên cơ sở phân tích cơ sở dữ liệu nghiên cứu đã giúp các địa phương xác định, bổ sung nội dung trọng tâm và khâu đột phá trong quá trình định hướng phát triển…

Có thể nói, các kết quả nghiên cứu KH và CN đã góp phần tạo đà phát triển bền vững vùng Tây Bắc một cách thiết thực. Tuy nhiên, một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, Tây Bắc là địa bàn còn chậm phát triển trên nhiều lĩnh vực; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Muốn phát triển kinh tế – xã hội cần đẩy mạnh ứng dụng KH và CN, tạo “cú huých” quan trọng cho toàn vùng vươn lên. Vì vậy, quá trình triển khai các kết quả nghiên cứu KH và CN cần gắn với việc huy động các doanh nghiệp cùng tham gia để nâng cao hiệu quả. Các đề tài nghiên cứu, khảo sát đi sâu, gắn với thực tế hơn nhằm giúp các địa phương ứng dụng vào thực tiễn. Với những kết quả nghiên cứu đã được nghiệm thu, chuyển giao áp dụng cần linh hoạt vì 14 tỉnh trong vùng có những đặc điểm khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả chuyển giao KH và CN, giúp Tây Bắc phát triển bền vững…