BVR&MT – Điện Biên là tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, gồm 19 dân tộc anh em sinh sống, địa bàn gồm 130 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 101 xã đặc biệt khó khăn. Để tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật, công tác bảo vệ rừng và môi trường, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), lực lượng kiểm lâm địa bàn phát huy tốt vai trò tham mưu cho chính quyền địa phương cơ sở, đưa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng chuyển biến tích cực.
Tỉnh Điện Biên có tổng diện tích rừng tự nhiên là 350.854,79 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ hơn 37%. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: lát, chò chỉ, nghiến, táu, pơmu… nên việc bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, ngành và toàn thể người dân, trong đó, lực lượng kiểm lâm địa bàn phụ trách ở các xã là lực lượng nòng cốt.
Nằm ở vùng cao biên giới phía Bắc, công tác dân vận luôn được cán bộ kiểm lâm tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm. Nhằm góp phần khắc phục khó khăn trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, công tác bảo vệ rừng và môi trường, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kịp thời xây dựng và triển khai phương án tăng cường, hỗ trợ nhân lực để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của kiểm lâm địa bàn.
Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, Kiểm lâm viên Hoàng Văn Thắng, phụ trách địa bàn xã Mường Toong, huyện Mường Nhé cho biết: Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác bảo vệ rừng và môi trường cho bà con còn rất nhiều khó khăn, xã Mường Toong là một xã có diện tích tự nhiên rộng, địa hình hiểm trở, đường giao thông đi lại khó khăn, đa số các bản đều chưa có điện lưới quốc gia. Tập quán canh tác của nhân dân còn lạc hậu, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy. Trình độ dân trí không đồng đều, một số người dân nghe, nói và hiểu tiếng phổ thông còn hạn chế và nên công tác tuyên truyền pháp luật đến bà con nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để giúp bà con hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật, chúng tôi phải thực hiện “3 bám, 4 cùng” tại nơi mình công tác. Cụ thể là: bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào đã và đang được các chiến sĩ thực hiện nghiêm túc, đầy trách nhiệm góp phần thay đổi đáng kể cuộc sống của nhiều bà con tại các bản làng.
Câu khẩu hiệu: “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” luôn nhắc nhở những người lính mỗi ngày. Nhờ việc chung sống với người dân, nắm được tâm tư, tình cảm, cũng như kịp thời giải đáp các thắc mắc về pháp luật về bảo vệ rừng và môi trường, cũng như giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống của bà con, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Không chỉ đảm bảo tốt công tác tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, phổ biến pháp luật, mà trong công tác phòng dịch Covid-19, các chiến sĩ đã trở thành các tuyên truyền viên, trực tiếp phổ biến về cách phòng, chống dịch đến từng người dân.
Nhờ vậy, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm địa bàn đã thực hiện tốt việc tham mưu cho UBND các xã trong công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; xây dựng kế hoạch và thực hiện Phương án tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất mộc dân dụng, các trại nuôi động vật hoang dã; phối hợp mở các cuộc tuần tra, truy quét các “điểm nóng” phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ rừng; thành lập các chốt chặn tại các vị trí, tuyến đường xung yếu; xây dựng quy chế phối hợp giữa các xã giáp ranh; xây dựng quy chế phối hợp giữa UBND các xã và các chủ rừng; phối hợp với các chủ rừng tổ chức kiểm tra, giám sát, nghiệm thu các cộng đồng, hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng…
Nhờ phát huy tốt vai trò trong công tác truyền truyền, phổ biến pháp luật cho bà con, những hủ tục lạc hậu dần không còn, bà con có trách nhiệm hơn trong công tác bảo vệ rừng, giữ rừng, tình hình vượt biên trái phép, trộm cắp, nghiện ma túy hay truyền đạo trái phép cũng giảm đáng kể. Bà con chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế. Có được những đổi thay lớn như vậy cũng bởi niềm tin vào cán bộ kiểm lâm nói riêng cùng chung tay tuyên truyền, thay đổi nhận thức của bà con nơi đây.
Để khắc phục những khó khăn, tồn tại trên, ngoài sự chủ động của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, rất cần sự quan tâm, kiện toàn về mặt tổ chức, bổ sung nguồn nhân lực có đủ trình độ và phẩm chất đạo đức. Qua đó, giúp củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm lâm địa bàn, góp phần đưa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao. Trở thành những người đi đầu trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật, giúp bà con thay đổi nhận thức, giữ gìn an ninh trật tự, chung sống hòa bình.
Công tác bảo vệ phát triển rừng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự phát triển kinh tế địa phương,vì vậy cùng với nhiệm vụ của ngành kiểm lâm trong đó có lượng kiểm lâm địa bàn thì rất cần đến sự quan tâm của chính quyền, ban ngành các cấp, sự hỗ trợ của toàn xã hội mới bảo vệ và phát triển rừng cũng là bảo vệ sự bền vững của cuộc sống chúng ta.
Hoàng Tôn