Phát huy lợi thế cây trồng để giúp người dân Măng Ri thoát nghèo

BVR&MT – Măng Ri là xã miền núi và là vùng căn cứ cách mạng thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Đây là địa phương có tiềm năng trong việc trồng và phát triển cây dược liệu, cà phê xứ lạnh.

Củ sâm Ngọc Linh được gieo trồng tại xã Măng Ri (Tu Mơ Rông, Kon Tum).

Song người dân nơi đây sinh sống phụ thuộc vào nương rẫy, không mặn mà với việc trồng các loại cây thế mạnh nên đời sống còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong buổi làm việc với chính quyền xã vào giữa tháng 11/2021, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang yêu cầu địa phương cần phát huy tối đa lợi thế về trồng dược liệu, tạo mọi điều kiện để giúp người dân xã Măng Ri thoát nghèo.

Phát triển chưa tương xứng

Xã Măng Ri hiện có 6 thôn với gần 1.900 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Xơ Đăng. Toàn xã có 145 hộ nghèo, 28 hộ cận nghèo và đạt được 11/19 tiêu chí về nông thôn mới. Xã Măng Ri được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng, phát triển cây dược liệu, nhất là sâm dây, sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, nhân dân trên địa bàn xã mới trồng được gần 50 ha sâm dây và hơn 3 ha sâm Ngọc Linh, rất thấp so với kỳ vọng.

Theo ông Dương Đình Chung – Chủ tịch UBND xã Măng Ri, nguyên nhân chủ yếu là do phong tục tập quán của người dân nơi đây còn lạc hậu, chưa áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và số lượng cây dược liệu trying đạt được rất thấp. Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân tại xã còn nghèo, chưa có ý thức tự lực vươn lên, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Người dân cũng chưa tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất thấp để đầu tư khai thác thế mạnh về dược liệu và nguồn giống sâm Ngọc Linh khan hiếm cũng là yếu tố khiến diện tích trồng sâm nơi đây còn hạn chế.

Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, xã Măng Ri đã thành lập một hợp tác xã và 7 tổ liên kết trồng sâm với Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong đó, số người tham gia lao động thời vụ khoảng 270 người, có 150 người tham trực tiếp, thường xuyên.

Tuy nhiên, theo ông A Sỹ, Bí Thư Đảng ủy xã Măng Ri, nhằm tạo tiền đề cho việc phát triển tại địa phương, tỉnh Kon Tum xem xét làm mới tuyến đường Tỉnh lộ 672 đoạn đầu vào xã, bởi khi mưa lớn nước tràn qua đường gây khó khăn cho việc đi lại. Đồng thời, tỉnh ưu tiên phân bổ nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp để nhân dân mua giống Sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác để mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập. Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum và Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô cần tạo điều kiện, thành lập các tổ liên kết với các hộ dân để người dân có cơ hội tham gia trồng Sâm Ngọc Linh.

“Xã Măng Ri là xã anh hùng trong kháng chiến, có tiềm năng lợi thế về phát triển dược liệu, đặc biệt là “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh nhưng phát triển chưa tương xứng, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao”, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang phát biểu trong buổi làm việc với chính quyền xã Măng Ri vừa qua.

Cần tạo điều kiện tối đa cho người dân

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang đề nghị UBND xã Măng Ri xác định các loại cây thế mạnh, chủ lực trong phát triển kinh tế, làm giàu là: Sâm Ngọc Linh, sâm dây, cà phê xứ lạnh và cây sơn trà. Chính quyền xã cần tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng mì, lúa rẫy sang trồng cà phê xứ lạnh và sâm dây, kết hợp với việc nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa để lấy ngắn nuôi dài.

Bên cạnh đó, UBND xã Măng Ri phải tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” có hiệu quả, không hô khẩu hiệu; chủ động liên kết với Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum để tạo điều kiện cho người dân tham gia trồng và phát triển sâm Ngọc Linh, hướng tới thoát nghèo. Phấn đấu đến năm 2024, xã Măng Ri trở thành xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ thoát nghèo hàng năm đạt ít nhất 4%/năm.

Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum nhấn mạnh, xã Măng Ri nói riêng, huyện Tu Mơ Rông nói chung cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Lực lượng chức năng vận động người dân gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc tại chỗ; giữ gìn Khu căn cứ cách mạng Tỉnh ủy và tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ về những giá trị lịch sử hào hùng tại vùng căn cứ cách mạng. Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang kỳ vọng xã Măng Ri sớm phát triển kinh tế – xã hội và “vươn mình” trở thành xã kiểu mẫu của huyện Tu Mơ Rông nói riêng, của tỉnh Kon Tum nói chung.

Đoàn công tác tỉnh Kon Tum tham quan vườn sâm Ngọc Linh tại xã Măng Ri của Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Ông Trần Hoàn, Giám đốc Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum cũng cho biết, đơn vị sẵn sàng tạo điều kiện và hỗ trợ người dân trong việc thành lập hợp tác xã về phát triển dược liệu. Đặc biệt, trong hơn 20 năm tham gia vào lĩnh vực trồng và phát triển sâm Ngọc Linh, công ty chưa bán giống cây ra ngoài thị trường. Tuy nhiên, đơn vị này cam kết cung cấp nguồn giống sâm Ngọc Linh và sâm dây để người dân Măng Ri tham gia trồng dưới tán rừng được địa phương giao khoán. Công ty sẽ giám sát quy trình, kỹ thuật trồng sâm của người dân để sản phẩm thu lại đạt hiệu quả; đồng thời, cam kết thu mua toàn bộ và đảm bảo đầu ra cho số lượng sâm Ngọc Linh, sâm dây mà người dân trồng được.

Hy vọng rằng, với những chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Tỉnh ủy, cùng với những chính sách đặc thù của người và lợi thế mà thiên nhiên ban tặng, đời sống của bà con nhân dân xã Măng Ri sẽ “thay da đổi thịt”, từng bước vươn lên thoát nghèo, xây dựng một vùng căn cứ cách mạng phồn vinh, phát triển.