Phát hiện dấu hiệu sự sống tiềm năng trên sao Kim

BVR&MT – Các nhà khoa học đã phát hiện một loại khí được gọi là “phosphine” bên trong các đám mây của sao Kim, cho thấy các vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này.

Sao Kim. (Nguồn: sciencenews.org)

 

Các nhà khoa học ngày 14/9 cho biết đã phát hiện một loại khí được gọi là “phosphine” bên trong các đám mây của sao Kim, cho thấy các vi sinh vật có thể tồn tại trên hành tinh này, qua đó hé lộ dấu hiệu về khả năng có sự sống bên ngoài Trái Đất.

Lâu nay, sao Kim, hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, luôn giữ kỷ lục về điều kiện môi trường khắc nghiệt và thường được mô tả như “địa ngục” với nhiệt độ ban ngày cao tới mức làm chì tan chảy, trong khi bầu khí quyển đậm đặc hơn Trái Đất 100 lần, bao gồm 85% là khí CO2.

Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia đã phát hiện dấu vết của phosphine, một loại khí dễ cháy trên Trái Đất thường xuất hiện khi các chất hữu cơ phân hủy, khi sử dụng kính thiên văn James Clerk Maxwell ở Hawaii (Mỹ) và xác nhận điều này khi sử dụng kính thiên văn hiện đại Atacama Large Millimeter/submillimeter Array (ALMA) ở Chile.

Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Astronomy, nhóm nhà khoa học nhấn mạnh sự hiện diện của phosphine không chứng minh rằng có sự sống trên sao Kim.

Tuy nhiên, khi những đám mây xoay quanh bề mặt nóng “như thiêu như đốt” của sao Kim vốn có tính axít cao và do đó phá hủy phosphine rất nhanh, nghiên cứu chỉ ra rằng đã có thứ gì đó tạo ra khí này một lần nữa.

Để tìm hiểu về sự sản xuất khí phosphine, họ đã dựng lên một số mô hình tính toán.

Nhóm nghiên cứu sau cùng kết luận rằng nghiên cứu này cung cấp bằng chứng “về đặc tính hóa học bất thường và không thể giải thích được” về sao Kim.

Trao đổi với báo giới, nhà khoa học Jane Greaves thuộc trường Vật lý và Thiên văn của Đại học Cardiff (Vương quốc Anh), trưởng nhóm nghiên cứu, lưu ý rằng sự hiện diện của mỗi mình phosphine không phải là bằng chứng về sự sống trên hành tinh láng giềng của Trái Đất.

Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận đây là lần đầu tiên phosphine được tìm thấy trên một hành tinh đất đá không phải là Trái Đất.

Phản ứng về nghiên cứu trên, Alan Duffy, nhà thiên văn học thuộc Đại học Swinburne và nhà khoa học hàng đầu của Viện hoàng gia Australia, gọi phát hiện trên là “một trong những dấu hiệu thú vị nhất về sự hiện diện có thể có của sự sống ngoài Trái Đất mà tôi từng thấy.”

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) Jim Bridenstine gọi là “bước phát triển có ý nghĩa nhất” trong cuộc săn tìm sự sống ngoài Trái Đất. Ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc ưu tiên cho sao Kim.”

Phosphine là một phân tử đơn do các vi khuẩn sản xuất trên Trái Đất thông qua các quy trình công nghiệp. Do đó, chất này nằm trong danh sách các phân tử được các nhà khoa học coi là “cấu trúc sinh học” tiềm năng của sự sống trên các hành tinh, có kích thước bằng Trái Đất và bầu khí quyển của những hành tinh này có thể được quan sát qua kính thiên văn.

Từ lâu, sự tồn tại của sự sống ngoài Trái Đất là một trong những câu hỏi quan trọng của khoa học. Các nhà khoa học đã sử dụng kính thiên văn và nhiều công cụ để tìm kiếm các “chữ ký sinh học” – những dấu hiệu gián tiếp của sự sống trên những hành tinh khác trong hệ Mặt Trời và xa hơn.