Phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình

BVR&MT – Thành phố hiện có lượng chất thải sinh hoạt phát sinh 300 tấn/ngày. Để giảm áp lực trong xử lý rác sinh hoạt và bảo vệ môi trường, thành phố đang đẩy mạnh thực hiện phân loại rác thải từ hộ gia đình.

Cán bộ Chi hội Phụ nữ khu 2 (phường Yết Kiêu) hướng dẫn hội viên phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình.

Tháng 7/2022, gia đình bà Phạm Thị Dự (tổ 2, khu 2, phường Yết Kiêu) được Hội LHPN phường mời tham gia tập huấn, hướng dẫn phân loại rác thải sinh hoạt tại gia đình và hỗ trợ 1 thùng rác 2 ngăn để phân loại rác. Bà Dự chia sẻ: Sau khi được tập huấn hướng dẫn phân loại rác thải, gia đình tôi đã thực hiện phân loại rác mỗi ngày. Trước đây, toàn bộ rác thải được gia đình tôi gom chung, nay gia đình đã sử dụng thùng rác 2 ngăn để đựng từng loại rác. Rác túi nilon thì để vào thùng rác vô cơ; rác chai, lọ nhựa, vỏ lon bia, nước ngọt thì để riêng để đưa đi tập hợp tái chế; vỏ cam, vỏ chuối, gốc rau… thì bỏ vào thùng đựng rác hữu cơ.

Hội LHPN thành phố đang triển khai thí điểm mô hình phân loại rác sinh hoạt từ hộ gia đình tại các phường Yết Kiêu, Hòn Gai với 80 hộ hội viên tham gia. Mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào các thùng riêng biệt để đưa đi thu gom. Việc phân loại rác thải mang lại nhiều lợi ích cho xã hội cả về môi trường và kinh tế, giúp việc thu gom rác thải thuận tiện. Chị Nguyễn Thị Bích, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố, cho biết: Hội đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên tham gia mô hình phân loại rác từ gia đình. Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ một thùng rác phân loại để từng bước nâng cao nhận thức, cách xử lý rác của các gia đình. Từ đó, tiếp tục nhân rộng trong toàn thành phố, tiến tới phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình trở thành việc làm thường xuyên, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.

Thành phố đã xây dựng phương án phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải xây dựng, thực hiện thí điểm trong giai đoạn 2021-2022. Cụ thể, đối với chất thải rắn sinh hoạt, thành phố tổ chức phân loại ngay từ các hộ, tổ chức, cơ quan, trường học, khu vực công cộng và cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Sau khi phân loại, chất thải rắn được lưu giữ bằng 2 loại thùng có màu sắc khác nhau. Nếu chất thải rắn sinh hoạt không được tổ chức phân loại ngay từ đầu nguồn, thành phố yêu cầu các công ty môi trường từ chối thu gom.

Đối với chất thải xây dựng, không thực hiện phân loại, mà thu gom thành đống gọn gàng, che phủ kín để không ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý, thành phố cũng xây dựng phương án cụ thể đối với nhóm chất thải rắn dùng để đốt, nhóm chất thải rắn chôn lấp; yêu cầu tất cả các công trình xây dựng phải thực hiện phân loại rác thải không để lẫn các tạp chất ngoài vật liệu san lấp.

Phân loại rác sinh hoạt cũng được thành phố triển khai tại các chợ, nhà hàng, khách sạn, cơ quan, trường học. Đối với chất thải đốt không gây ô nhiễm môi trường, chất thải có thể tái chế sử dụng, thành phố chỉ tổ chức thu gom vào một ngày quy định trong tuần. Thành phố thành lập đội liên ngành, kiểm tra thường xuyên các điểm thu gom, tập kết rác thải tập trung.

Theo ông Trần Ngọc Thế, Phó trưởng Phòng TN&MT thành phố: Một trong những khó khăn công tác thu gom, phân loại, xử lý rác thải hiện nay là nhiều người dân cho rằng thu gom rác là công việc của công nhân công ty vệ sinh môi trường, vì thế chưa có ý thức phân loại rác thải sinh hoạt. Để nâng cao hiệu quả công tác này, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thu gom, phân loại rác thải. 6 tháng năm 2022, thành phố đã phát trên 2.000 tờ rơi hướng dẫn và tổ chức tập huấn, tuyên truyền tại 33/33 xã, phường về phân loại rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình; qua đó thay đổi thói quen cũ, thực hiện tốt phân loại rác thải từ hộ gia đình để bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố ngày một xanh, sạch, đẹp, văn minh.a