Phấn đấu xây dựng ngành Lâm nghiệp Việt Nam trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật hiện đại

BVR&MTNăm 2020, mặc dù đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế nhưng ngành Lâm nghiệp vẫn đạt được những thành tự nổi bật đóng góp ngày càng tăng vào phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu; góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho 20 triệu người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số; góp phần giữ vững quốc phòng an ninh.

Nhân dịp năm mới 2021, phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có dịp trao đổi với lãnh đạo ngành Lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương về những thành tựu đạt được cũng như phương hướng phát triển, mục tiêu và nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn sắp tới.

Đưa chế biến và xuất khẩu lâm sản thành thế mạnh chủ lực

Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp.

PV: Thưa ông, năm 2020, xuất khẩu lâm sản tăng ấn tượng, xuất siêu kỷ lục 10 tỷ USD, tiếp tục đứng trong 10 nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm trên 30% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Ông có đánh giá như thế nào về kết quả này?

Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Để đạt được những kết quả này, trong những năm qua và trong năm 2020, toàn ngành đã đoàn kết, nỗ lực đổi mới, sáng tạo trên mọi phương diện, thể hiện tập trung ở nhiều lĩnh vực.

Cụ thể, thực hiện hiệu quả các chính sách và kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, chế biến xuất khẩu gỗ và lâm sản. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ, lâm sản được thực hiện lồng ghép tại các chính sách phát triển lâm nghiệp và cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn…

Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ theo hướng hiện đại. Trong 10 tháng đầu năm 2020 đã thành lập mới 1.730 doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm nghiên cứu, đầu tư trang thiết bị để sản xuất các sản phẩm phụ trợ như sơn, keo, vật liệu trang trí bề mặt thay thế hàng nhập khẩu, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm Sơn Động – Bắc Giang đi kiểm tra rừng sản xuất.

PV: Vậy phương hướng phát triển, mục tiêu và nhiệm vụ của ngành trong giai đoạn sắp tới sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Trị – Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp: Ngành lâm nghiệp cần tập trung để tái cơ cấu gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, gắn với điều kiện phát triển cụ thể mỗi vùng, mỗi địa phương, đồng thời gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

Tập trung công tác bảo vệ rừng, nhất là đối với rừng tự nhiên; nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai. Cung cấp đa dạng các dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp…

Xây dựng ngành lâm nghiệp Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật đặc thù, hiện đại và sáng tạo; phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống DTTS từ rừng

PV: Ông có thể đánh giá kết quả hiện trạng rừng và đất quy hoạch cho phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ hiện nay?

Cán bộ Ban quản lý rừng đặc dụng phòng hộ Thái Nguyên tuần tra, khảo sát địa bàn rừng Hồ Núi Cốc.

Ông Nguyễn Văn Tuyên –  Phó Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyên:  Trong những năm trở lại đây công tác quản lý bảo vệ rừng đã được các cấp chính quyền chú trọng, đi kèm với đó là công tác quy hoạch sử dụng đất đã có nhiều điểm đạt được. Song vẫn còn có những bất cập, nhiều khu vực quy hoạch 3 loại rừng chưa thực sự phù hợp. Đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, các đơn vị đi rà soát thống kê và đề nghị điều chỉnh sao cho phù hợp hơn trong thời gian tới.

PV: Năm 2020, miền Trung đã xảy ra nhiều mất mát to lớn do thiên tai, theo ông đâu là nhiều nguyên nhân chủ yếu?

Ông Mai Xuân Hùng – Phó Chủ tịch Hội lâm nghiệp Thanh Hóa: Trước tiên nói về tầm quan trọng của rừng, rừng là lá phổi xanh, là sự sống còn của nhân loại; rừng phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ đất (rễ cây hút nước, thảm thực vật cản sức nước…), tán lá cây rừng chắn gió góp phần làm suy yếu sức mạnh của gió bão đi qua nếu rừng được bảo vệ có hiệu quả.

Theo tôi, tình trạng mưa lũ ở miền Trung cũng như cả nước ta những năm gần đây trở nên nghiêm trọng, khốc liệt hơn, chính là do nạn chặt phá rừng, đặc biệt là nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát nương làm rẫy không theo quy hoạch, xây dựng thủy lợi, thủy điện… làm cho rừng mất khả năng cản trở dòng chảy ngay từ đầu nguồn, nơi sinh thủy, mất tác dụng, nên khi mưa lũ đến khiến tốc độ dòng chảy mạnh hơn, nhanh hơn.

PV: Việc phát triển kinh tế lâm nghiệp giúp các đồng bào dân tộc thiểu số sống dựa vào rừng giảm nghèo bền vững, quan điểm của ông về việc này?

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang.

Ông Nguyễn Văn Hậu – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững là xu thế tất yếu hiện nay. Xác định rừng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, nhất là đối với đồng bào các dân tộc miền núi, thời gian tới, Bắc Giang tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, phấn đấu trồng rừng tập trung khoảng 7.000-8.000 ha/năm. Đến năm 2025, năng suất gỗ rừng trồng đạt 22-25 m³/ha/năm. Đồng thời, chúng tôi cũng tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các ngành, chính quyền địa phương; thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật lĩnh vực lâm nghiệp, giúp đồng bào dân tộc có nhận thức sâu sắc hơn về công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Văn Trì