Phấn đấu đưa Vĩnh Phúc thành vùng an toàn về dịch bệnh, chủ động thực hiện mục tiêu kép

BVR&MT –  Trong những ngày tháng 9 này, tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang bước vào trạng thái bình thường mới, vừa tiếp tục các biện pháp phòng chống dịch, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và vừa triển khai biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành phát biểu tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch ngày 21/08/2021.

Các hoạt động kinh tế-xã hội đã dần ổn định

Đánh giá về tình hình địa phương, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên 9 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút vốn đầu tư toàn tỉnh tăng khá; an sinh xã hội được bảo đảm. Dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đến nay cơ bản được kiểm soát.

“Khoảng thời gian một tháng chưa có thêm ca nhiễm mới phần nào phản ánh sự hiệu quả của công tác kiểm soát dịch bệnh, tiền đề để địa phương này sớm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc sát sao chỉ đạo công tác phòng chống dịch.

Về tình hình phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đạt được những kết quả tích cực trong bối cảnh toàn tỉnh tập trung mọi nguồn lực vừa chống dịch COVID-19, vừa duy trì ổn định sản xuất-kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.

Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp-xây dựng tăng rất cao, đạt mức 21,98% (riêng ngành công nghiệp tăng 23,26%); ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,78%, ngành dịch vụ tăng 7,54 %.

Thu ngân sách ước đạt 17.128 tỷ đồng, đạt 55,8% dự toán và tăng 19,1% so với cùng kỳ. Dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh thu hút được 177,66 triệu USD vốn FDI, đạt 44,4% kế hoạch với 15 dự án đầu tư mới và 13 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn.

Đáng chú ý, bên cạnh việc thực hiện chống dịch Vĩnh Phúc cũng tập trung vào những sự kiện công việc quan trọng. Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức thành công; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, có được những thành quả trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế là do sự hội tụ của ý Đảng, lòng dân. Cùng với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong phát triển kinh tế, xã hội, sự đồng lòng của người dân trong công cuộc phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 song xác định việc thực hiện kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, các cấp, các ngành đã tập trung ưu tiên nhân lực, nguồn vốn thực hiện. Các dự án trọng điểm đang triển khai cơ bản thuận lợi; nhiều dự án, công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư.

Công tác quyết toán vốn đầu tư tiếp tục được tăng cường, có bước chuyển biến tích cực do đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan. Tính đến ngày 31/5, toàn tỉnh thẩm tra, trình phê duyệt quyết toán 212 hồ sơ dự án, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan và Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đối thoại tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Chống dịch đi đôi với nỗ lực không đóng cửa bất kỳ nhà máy nào

Là địa phương có nhiều KCN, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường đặt ra những bài toán khó về cân bằng thực hiện mục tiêu kép, kinh nghiệm của Vĩnh Phúc là bám sát chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ cùng với việc chủ động sáng tạo trong việc kiên quyết, kiên trì kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với phương châm đặt sức khỏe của nhân dân lên trên hết.

Chốt kiểm soát dịch tại TP. Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Dù có thời điểm xuất hiện tới 4 ổ dịch COVID-19 với 90 ca bệnh, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, Vĩnh Phúc đã kiểm soát và nỗ lực tối đa để không phải đóng cửa bất kỳ nhà máy, xưởng sản xuất nào, càng không để người lao động mất việc làm.

Theo ông Lê Duy Thành, chiến lược chống dịch của Vĩnh Phúc là “điều tra, truy vết, đuổi theo dịch bệnh”. Với sự chủ động và tinh thần quyết liệt, Vĩnh Phúc bước vào cuộc chiến chống dịch mới với chiến lược mới: Quyết tâm bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn. Vĩnh Phúc kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”, giúp người dân và doanh nghiệp đã chủ động dần thích ứng với trạng thái “bình thường mới” vừa chống dịch, vừa sản xuất.

Trước nguy cơ dịch COVID-19 có thể lây lan trong cộng đồng, lan vào các nhà máy, khu công nghiệp, gây nguy cơ “đứt gãy” chuỗi sản xuất, kinh doanh, tỉnh đã chỉ đạo sát sao các huyện kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch, thiết lập vùng cách ly y tế khu vực có F0. Yêu cầu các doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho toàn bộ công nhân. Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Chí Giang, điểm đáng chú ý là bên cạnh phòng chống dịch, lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên đối thoại, trao đổi với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vững tâm, cố gắng vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh nhưng vẫn không quên đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng…

Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực do đã phục hồi năng lực sản xuất nên có mức tăng cao như linh kiện điện tử, ô tô, xe máy… Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) nhận xét: Để ứng phó với đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 4 đến nay, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam triển khai các biện pháp nâng cao cấp độ phòng dịch như thành lập Tổ an toàn thường xuyên kiểm tra việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi làm việc của toàn bộ nhân viên, người lao động; phun khử khuẩn toàn bộ nhà máy, xe ô tô đưa đón chuyên gia; lắp vách ngăn tránh giọt bắn tại các bàn ăn, phòng họp; tạm dừng toàn bộ các chuyến công tác, đón tiếp khách tại Công ty.

Cùng với đó, doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các chỉ thị, yêu cầu của Bộ Y tế cũng như địa phương về phòng chống dịch. Theo đó, tất cả lịch trình của chuyên gia người nước ngoài, lao động ngoại tỉnh đều được giám sát chặt chẽ; thực hiện xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho những người đi về từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc thường xuyên với lái xe, người giao hàng. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng do dịch bệnh, nhưng công ty vẫn đảm bảo chế độ chính sách, quyền lợi của người lao động, hỗ trợ đối với các trường hợp phải thực hiện cách ly y tế.

Theo lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, chính sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế đã có kết quả khả quan. Hiện, tình hình sản xuất kinh doanh dần phục hồi và có nhiều khởi sắc, các doanh nghiệp vẫn giữ được ổn định và có sự tăng trưởng.

Công ty Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) duy trì sản xuất và thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Trong 6 tháng, toàn tỉnh có 620 doanh nghiệp thành lập mới. Đặc biệt, có 219 doanh nghiệp sau thời gian đăng ký tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ nhưng lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, trong thời gian tới, dịch bệnh trong cả nước vẫn đang diễn biến phức tạp, không thể lơi là mất cảnh giác.

Tại tại phiên họp thường kỳ 6 tháng đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung làm rõ các điểm nghẽn, từ đó, xây dựng giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, thực hiện tốt các khâu đột phát thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, tập trung triển khai tốt các giải pháp đã đề ra nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ vừa chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, rà soát, sắp xếp lại thứ tự ưu tiên, lựa chọn các nhiệm vụ trọng yếu cần chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ưu tiên các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, giải ngân vốn đầu tư công.

Lãnh đạo tỉnh đề nghị các đơn vị cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19, nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh; ưu tiên các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công.

“Quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, đồng thời làm rõ các điểm nghẽn, từ đó tháo gỡ, khơi thông nguồn lực, thực hiện tốt các khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh.

Đức Long – Hậu Thạch