BVRMT – Từ khoảng tháng 10/2016 đến nay, trên địa bàn các xã vùng đệm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng, đặc biệt là các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch, Sơn Trạch (H. Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã xảy ra tình trạng người dân tập trung vào rừng khai thác gốc, rễ cây hương giáng, gây thiệt hại tài nguyên rừng, nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học nói chung.
Từ những lời đồn thổi
Theo tìm hiểu của Lao Động, cây hương giáng bị khai thác nhiều trong thời gian qua tại các khu vực rừng núi đá vôi giáp ranh VQG Phong Nha – Kẻ Bàng như lèn Mệ Đề (xã Phúc Trạch), Lèn Na, Lèn ông Lũy (thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, H. Bố Trạch). Sở dĩ cây hương giáng bị khai thác với khối lượng lớn trong thời gian gần đây là vì có sự đồn thổi trong người dân rằng gỗ hương giáng có khả năng trừ tà ma, đem lại may mắn, tài lộc cho người sử dụng. Vì vậy số lượng người dân vào rừng để khai thác, đào bới gốc, rễ hương giáng ngày càng tăng. Người dân địa phương ồ ạt vào khai thác để bán cho các thương lái mà đối tượng chủ yếu là người chuyên săn đồ gỗ phong thủy trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, có thời điểm hương giáng được bày bán công khai tại các hộ dân, hộ kinh doanh đồ gỗ gia dụng ở khu vực Troóc (xã Phúc Trạch, H. Bố Trạch). Giá một gốc hương giáng giao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, thậm chí lên đến hàng chục triệu, nên nhiều người dân hám lợi lén lút khai thác dẫn đến cây hương giáng tại các khu vực giáp ranh lâm phần VQG Phong Nha – Kẻ Bàng có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, ngoại trừ trong vùng lõi VQG.
Theo thống kê, trong lâm phận VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cũng đã bị chặt hạ với mức độ nhỏ lẻ ở các khu vực: Khoảnh 6, tiểu khu 615A (giáp thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch); khoảnh 4, tiểu khu 602 (giáp ranh thôn 7, xã Xuân Trạch); khoảnh 2, tiểu khu 240 (giáp ranh thôn 1, xã Xuân Trạch) khoảnh 3, tiểu khu 615A (giáp ranh thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch)…
Theo Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng cho biết, từ khi rộ lên về vấn đề gỗ hương giáng, tính đến nay đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 15 vụ vi phạm, tang vật gồm 969 kg hương giáng các loại, trong đó có 3 vụ khai thác trong lâm phận VQG và 12 vụ vận chuyển trên địa bàn vùng đệm. Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh thì cho biết, từ tháng 12/2016 đến nay đã phát hiện và xử lý 3 vụ việc liên quan đến vận chuyển trái phép với tổng số 906 kg hương giáng các loại.
Hạt Kiểm lâm VQG Phong Nha – Kẻ Bàng khẳng định, trước đây người dân thường lấy hương giáng về làm củi, làm cọc trồng hồ tiêu hoặc để xông nhà. Việc trừ tà ma, mang lại may mắn, tài lộc chỉ là lời đồn thổi vô căn cứ, mang tính chất mê tín dị đoan.
Đốt tang vật để tránh kích cầu
Liên quan đến vấn đề trên, ông Phạm Hồng Thái – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình – cho biết, tình trạng trên mới rộ lên thời gian gần đây và đã có công văn về việc kiểm tra, xử lý việc khai thác, mua bán, vận chuyển cây hương giáng trái pháp luật. Theo đó, mặc dù thân và gốc có thể lấy gỗ nhưng hiện nay chưa có cơ sở để xác định loài theo danh pháp quốc tế và phân loại nhóm gỗ đối với cây hương giáng nên một số đơn vị lúng túng trong lập hồ sơ và xử lý hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền xác định, công bố loài, nhóm và tên khoa học cây hương giáng, để có cơ sở cho việc xử lý vi phạm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có văn bản về việc hướng dẫn xử lý vi phạm gửi các Hạt Kiểm lâm, đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR để tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát lâm sản.
BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng thì cho biết đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm Vườn tăng cường các biện pháp tuần tra, chốt chặn, ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ hương giáng trong lâm phận và các khu vực vùng đệm giáp ranh. Tuy nhiên, tình trạng khai thác gỗ hương giáng vẫn đang phức tạp tại các xã Sơn Trạch, Phúc Trạch, Xuân Trạch… với hình thức lén lút, tinh vi hơn.
Đối với số gỗ hương giáng là tang vật vi phạm bị thu giữ, BQL VQG Phong Nha – Kẻ Bàng vừa có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Bình, Sở Tài chính cho phép tiêu hủy bằng hình thức đốt đối với số tang vật vi phạm là gốc, rễ cây hương giáng nhằm tránh kích cầu trên thị trường và tuyên truyền cho người dân trên địa bàn thấy được giá trị thực của cây hương giáng, làm giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng.
Cây hương giáng (người dân địa phương còn gọi là hang giáng hoặc săng giáng) là cây gỗ nhỡ, phân bố rải rải hoặc mọc thành cụm trên sườn núi đá vôi khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng và tỉnh Quảng Bình. Loài này hiện vẫn chưa xác định được tên khoa học và không có trong bảng phân loại nhóm gỗ. Gỗ hương giáng có mùi thơm nhẹ, bền, chắc, dễ cháy…