Phá rừng quy mô lớn có thể bị phạt từ 07 đến 15 năm tù

BVR&MT – Trước thông tin liên quan đến vụ việc chặt phá rừng nghiêm trọng, qua quá trình điều tra, xác minh làm rõ, ngày 30/5, Cơ quan CSĐT, Công an TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt quyết định khởi tố 4 vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 7 đối tượng để điều tra về hành vi “Hủy hoại rừng”, theo Điều 243 Bộ luật Hình sự.

Bị can Tranh phá rừng bao chiếm đất. (Nguồn: tienphong.vn)

Các bị can gồm: Thạch Văn Bảo (SN 1989), Nguyễn Văn Huynh (SN 1982), Nguyễn Thanh Hiền (SN 1987), Phạm Long Rin (SN 1986), Trần Quốc Việt (SN 1986), Lê Văn Chiến (SN 1972) và Bùi Hoàng Tranh (SN 1964); trú và tạm trú tại các xã Hàm Ninh, Gành Dầu, Cửa Dương, Dương Tơ (TP Phú Quốc).

Trước đó, các lực lượng chức năng TP. Phú Quốc đã phát hiện 4 vụ phá rừng quy mô lớn tại xã Dương Tơ, Cửa Dương, Cửa Cạn và phường Dương Đông. Quá trình kiểm tra tại các hiện trường, xác định diện tích rừng bị phá hơn 35.000m2 (tương đương 3,5 ha) tại các Tiểu khu 76, 77, 96, rừng đặc dụng, Vườn quốc gia Phú Quốc.

Theo kết quả điều tra, 7 bị can bị Cơ quan CSĐT Công an TP Phú Quốc bắt giam thì có đến 6 bị can được các đối tượng khác thuê để phá rừng. Cũng theo Công an TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, ngoài 4 vụ vừa khởi tố, đơn vị đang xác minh làm rõ một số vụ đã và đang xảy ra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc cơ quan chức năng thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng với hành vi “Hủy hoại rừng” nêu trên là hoàn toàn có cơ sở. Thời gian qua, công tác bảo vệ, giữ gìn rừng được dư luận đặc biệt quan tâm. Với việc triển khai, thực hiện các giải pháp quyết liệt trong tuyên truyền, nhắc nhở, cũng như xử lý kịp thời những hành vi vi phạm đã phần nào giúp cho việc bảo tồn, gìn giữ rừng thêm hiệu quả. Do đó, trường hợp vi phạm của những đối tượng nêu trên cần phải sớm được xác minh, làm rõ và xử lý trách nhiệm cụ thể. Trong trường hợp này, khi có đủ yếu tố xác định vi phạm hình sự, căn cứ theo Điều 243, Chương XIX, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì mức xử lý thấp nhất phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; cao nhất là mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Cùng với đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Cũng tại điều, khoản này, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này, thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến cao nhất lên đến 7 tỷ đồng cùng một số quy định khác liên quan.

“Mọi hành vi vi phạm về quy định bảo vệ rừng đều có căn cứ, do đó, bất cứ cá nhân hoặc pháp nhân nào vi phạm đều phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình gây ra. Do đó, cá nhân, pháp nhân cần bảo đảm thực hiện, tuân thủ cam kết trong việc cùng phối hợp với cơ quan chức năng giữ gìn cũng như phát huy hiệu quả những lợi ích của rừng mang lại đối với môi trường sống. Trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ, gìn giữ rừng đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tùy thuộc vào quá trình điều tra, xác minh làm rõ từ cơ quan chức năng” – luật sư Tiến cho biết thêm./.