Ớt, cây thử thổ ở cao nguyên

BVR&MT – Thổ, tức đất. Cây thử thổ là loại cây dùng vào việc kiểm tra độ màu mỡ, hoặc độ hoang hóa của đất để đưa ra quyết định ở lại mảnh đất cũ, hay đi tìm mảnh đất mới cho mùa gieo trồng kế tiếp. Bằng tri giác, người cao nguyên đã lựa chọn trái và lá cây ớt làm chỉ dấu cho nơi sinh sống của cộng đồng, bên cạnh tính năng gia vị hết sức thân quen.

Ớt nơi đây được ví như giống cây thử thổ cao nguyên.

Cay thanh, thơm nồng

Sinh trưởng trên mảnh đất ràn rạt gió nắng, trái ớt ở cao nguyên có vị cay thanh, mùi thơm nồng, toát lên vẻ thanh đượm rất riêng. Nếu ngậm lâu trong miệng, ớt còn có thêm vị ngọt the, vị chua nhẹ và cả vị chan chát. Ớt ở đây rất khác với vị cay xé lưỡi của ớt miền xuôi, hay vị ngọt lừ của ớt xứ lạnh. Ngoài ra, trái ớt cao nguyên cũng mang trong mình vị đăng đắng. Chính vì thế mà khả năng kích thích vị giác lẫn khả năng đánh lừa vị giác của ớt là cực cao.

Bất cứ món ăn nào của người cao nguyên, ớt cũng luôn có mặt, từ món nướng, món chiên, món xào đến món luộc, món canh. Ớt giúp món ăn trở nên ngon hơn, đậm vị hơn và đưa cơm dễ hơn. Thậm chí, người cao nguyên còn coi ớt là một món ăn riêng, chứ không đơn thuần chỉ là gia vị. Món ớt xanh giã với muối hột, một món ăn rất thông dụng, rất phổ biến ở cao nguyên là ví dụ.

Ớt xanh hái từ rẫy về, mang nướng trên bếp củi cho đến khi thấy ớt hơi ngả sang màu vàng thì dừng lại. Muối hột cũng đem rang khô. Một vài tép tỏi mang đi nướng chín. Cả ba thứ này, đem trộn đều, rồi cho vào cối giã nhỏ và dùng dần. Món ớt xanh giã muối hột có thể dùng để chấm rau luộc, thịt xông khói nướng, dưa leo sống, sả sống, cá suối… và ăn với cơm. Gặp những hôm khan hiếm thực phẩm, vì rẫy ở xa và điều kiện đi chợ khó khăn, chỉ cần hái một vài trái ớt xanh, vặt ít trái cà đắng tươi từ cây cà mọc hoang quanh rẫy, thêm nhúm muối hột, sau đó đem giã đều rồi trộn với cơm lúa rẫy là đã có ngay bữa ăn ngon. Mùi cay cay, nồng nồng của ớt, mùi chát chát, mặn mặn của muối, mùi đắng đậm của trái cà đắng hòa quyện trong mùi thơm của gạo lúa rẫy sẽ tự biết cách thuyết phục người ăn, mở mắt cho người ăn thấy ớt cao nguyên mà giã với muối hột thì ngon cỡ nào.

Mọc ở nơi càng cao, khí hậu và thổ nhưỡng càng thanh sạch, thì ớt càng có nhiều vị ngon, vị thanh, vị nồng, vị cao khiết. Tinh túy của đất trời cao nguyên lồng lộng nắng gió đã lặn hết vào bên trong trái ớt, khiến cho trái ớt toát ra vị chân thật, ngay thẳng và bao dung như chính tính cách con người nơi đây vậy. Ớt, ngoài việc kích thích và đánh lừa vị giác, giúp người ăn có cảm giác ngon miệng, còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống được bệnh cảm cúm và bệnh sốt rét, nhất là khả năng giữ ấm cơ thể, chống lại cái khí lạnh miền rừng. Mỗi một giai đoạn sinh trưởng của trái ớt, người cao nguyên sẽ có những lựa chọn tương ứng, phù hợp với từng món ăn. Ớt chín đỏ rực dùng cho việc muối măng. Măng muối với loại ớt này, có thể cất trữ trong vòng hai năm mà không bị hỏng. Ớt xanh già thì
đem giã muối hột để làm thức chấm thịt xông khói nướng. Ớt xanh non lại giã cùng trái cà đắng và muối hột dùng trộn cơm, chấm cá khô, thịt nướng và rau luộc… Tất cả những món ăn có mặt của ớt sẽ kết thúc bằng một cốc trà rừng nóng bỏng rẫy.

Ớt không chỉ là gia vị

Bây giờ, ớt vẫn là gia vị chính trong hầu hết các món ăn của người cao nguyên, kể cả thức uống truyền thống rượu cần, ớt cũng là một trong năm thành phần không thể thay thế. Tuy vậy, ớt chỉ có mặt với vai trò gia vị, ít người còn nhớ đến ớt như một thiết bị phân tích đất tự nhiên vô cùng chính xác mà người cao nguyên từng sử dụng.

Thuở xưa, tập truyền của người cao nguyên là sống đời du cư, du canh. Canh tác hoa màu phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Do đó, tìm và khai thác được mảnh đất màu mỡ, có ý nghĩa chiến lược, bởi nó đảm bảo sinh kế, sự no đủ cho cộng đồng. Trái và lá cây ớt, với tính năng phân tích đất rất đặc biệt, trở thành thiết bị định vị tự nhiên giúp người cao nguyên chọn ra nơi để tụ cư và canh tác. Ớt là loài cây dại, mọc hoang khắp rẫy đồi cao nguyên. Sự hoang dã, mạnh mẽ đó, đã thuyết phục người cao nguyên sớm để mắt tới ớt và phát hiện ẩn trong cây ớt một tính năng đặc biệt, tính năng phân tích độ màu mỡ hoặc độ hoang hóa của đất. Trong tự nhiên, ớt phát tán nhờ gió và chim, gặp nơi đất ẩm, hạt cứ thế nảy mầm, phát triển, đơm hoa kết trái. Mọc ở nơi đất cằn khô, hay lọt thỏm trong bụi rậm, hoặc treo mình trên tảng đá cheo leo, ớt vẫn vươn mình xanh lá, cho trái quanh năm. Tri giác người cao nguyên chỉ ra rằng, cứ thấy lá ớt bắt đầu sần sùi, sâu bệnh và trái không còn đẹp, ăn không còn ngon, không thấy vị cay thanh nữa, nghĩa là mảnh đất ấy đã trở nên xấu, bạc màu, hoang hóa, cần phải đi tìm chỗ đất khác cho mùa gieo trồng mới. Chẳng cần đến lý luận cao siêu, hay những công thức hóa học lằng nhằng, người cao nguyên nhờ biết nương cậy tự nhiên, cùng tri giác bén nhạy đậm chất du mục đã nhìn nhận ra tính năng trên của ớt, một phát hiện của nền văn minh thảo mộc, có mức độ chính xác không hề thua kém bất cứ thiết bị máy móc hiện đại nào do con người chế tạo.

Nhưng thời cuộc xoay vần, ngoảnh đi ngoảnh lại, cái tính năng phân tích đất của ớt bỗng chốc trở thành quá khứ. Ngày nay, ngay cả những người cao nguyên, rất ít người còn nhớ đến cây ớt trong vai trò của một chiếc máy thử đất tự nhiên. Thế là ớt giờ chỉ có một vai trò duy nhất và cũng lớn nhất, gợi cho con người nhớ về một thời chưa xa. Ớt là một phần ký ức của một thời.

Kon Yoăn