OPEC+ không đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu mỏ

BVR&MT – Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) đã không đạt được đồng thuận về vấn đề sản lượng trong tháng 2/2021 tại Hội nghị trực tuyến diễn ra ngày 4/1.

Loading...
OPEC và các đối tác đã không đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu mỏ tháng 2/2021.

Hội nghị cấp Bộ trưởng của OPEC + diễn ra sau khi đại dịch COVID-19 gây ra các biến động tại thị trường dầu thô thế giới trong năm 2020 cũng như cuộc chiến giá dầu giữa Ả rập Xê út và Nga.

Mặc dù giá dầu đã dần phục hồi vào cuối năm ngoái, song 13 thành viên OPEC, dẫn đầu là Ả rập Xê út và 10 đồng minh do Nga dẫn đầu, vẫn đang chịu tác động mạnh do nhu cầu từ thị trường.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến diễn ra từ ngày 30/11 – 3/12, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn trong tháng 1/2021 lên thêm 500.000 thùng/ngày, song không đạt được thỏa hiệp về chính sách dài hạn và rộng rãi hơn trong thời gian còn lại của năm tới.

Theo đó, OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 7,2 triệu thùng/ngày – tương đương 7% nhu cầu toàn cầu – trong tháng 1/2021, thấp hơn so với mức cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Các biện pháp hạn chế đang được thực hiện để đối phó với tình trạng sụt giảm nhu cầu dầu mỏ trong bối cảnh làn sóng COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Cũng tại Hội nghị này, OPEC + cũng đã nhất trí nhóm họp hằng tháng để quyết định những chính sách về sản lượng sau tháng 1/2020 và mức tăng hằng tháng được cho là khó có thể vượt quá 500.000 thùng/ngày.

Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo ngày 3/1 cho biết mặc dù nhu cầu dầu dự kiến sẽ tăng khoảng 5,9 triệu thùng/ngày lên 95,9 triệu thùng/ngày trong năm nay, song OPEC vẫn nhận thấy có nhiều rủi ro nhu cầu giảm sút trong nửa đầu năm 2021.

Giá dầu thế giới đã quay đầu giảm trong phiên giao dịch ngày 4/1 sau khi OPEC+ không đạt được đồng thuận. Trong cả năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá dầu thô của Mỹ (dầu ngọt nhẹ WTI) đã giảm 20,5%, trong khi giá dầu Brent giảm 21,5%.

Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu WTI giảm xuống mức âm, chạm đáy ở -40,32 USD/thùng (giá đặt giao hàng tháng 5/2020) rồi quay đầu lên -37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch ngày 20/4. Trong khi đó, giá dầu WTI giao tháng 6/2020 cũng giảm 43% xuống còn 11,57 USD/thùng.

Giá dầu Brent giao tháng 6/2020 tại thị trường London (Anh) giảm xuống còn 19,33 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2002. Trước đó, một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters với 40 nhà kinh tế và nhà phân tích dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 49,35 USD/thùng trong năm tới và khó có khả năng duy trì đà tăng./.