OCOP – cơ hội “vàng” cho nông sản

BVR&MT – Với đặc trưng về khí hậu, thổ nhưỡng, Hà Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, chương trình OCOP được tỉnh ta xác định là hướng đi mới giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, nâng cao năng suất và giá trị cây trồng, vật nuôi, tạo “sức bật” để nông sản địa phương vươn tới các thị trường lớn ở trong và ngoài nước.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng về mẫu mã và chất lượng.

Tháng 6.2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận 20 sản phẩm đạt OCOP 5 sao Quốc gia năm 2020. Trong đó, Hà Giang có 2 sản phẩm, đó là: Trà xanh hộp 100gr và Hồng trà hộp 100gr của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì). Đây là 2 sản phẩm đầu tiên của tỉnh đạt OCOP 5 sao, mang đến niềm tự hào rất lớn cho địa phương.

Đại diện HTX Chế biến chè Phìn Hồ cho biết: Để có được kết quả trên, HTX đã không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, dây chuyền chế biến sản phẩm theo hướng chế biến sâu, tạo ra những dòng sản phẩm mới, chất lượng cao. Đặc biệt, nguyên liệu HTX sử dụng 100% đạt tiêu chuẩn hữu cơ có nguồn gốc tại địa phương. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất, HTX luôn đảm bảo các tiêu chí theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia như: Liên kết chặt chẽ với các hộ dân trong sản xuất; bảo vệ môi trường; sử dụng năng lượng, công nghệ thân thiện, bền vững; hình thức bao bì đẹp, sang trọng; có thể xuất khẩu đến các thị trường có tiêu chuẩn cao…

Bên cạnh sản phẩm chè Shan tuyết đã từng bước xây dựng được thương hiệu, được xuất khẩu đến một số thị trường quốc tế, hiện nay, huyện Hoàng Su Phì đang tiếp tục chú trọng phát triển các sản phẩm nông sản đặc trưng khác như: Mận máu, rượu thóc Nàng Đôn, củ cải nương, tinh dầu gừng, nghệ, du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên… Huyện đã chỉ đạo quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa dựa trên tiềm năng, thế mạnh của từng xã, thị trấn như: Vùng trồng, chế biến chè tại các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Hồ Thầu, Túng Sán; vùng trồng cây ăn quả bản địa giá trị cao tại các xã Chiến Phố, Pố Lồ, Thàng Tín, Thèn Chu Phìn; vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao; vùng trồng cây dược liệu… Đến nay, toàn huyện có 21 sản phẩm (11 chủ thể) được đánh giá xếp hạng OCOP trong đó: 4 sản phẩm 4 sao, 15 sản phẩm 3 sao, 2 sản phẩm đạt 5 sao.

Xác định, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm, từ năm 2018, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung triển khai chương trình gắn với xây dựng Nông thôn mới và tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Đào tạo, tập huấn cho 100% cán bộ cấp huyện, xã, các tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP. Thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP theo từng năm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP.

Trong giai đoạn 2018 – 2020, toàn tỉnh có 375 sản phẩm của các doanh nghiệp, HTX và hộ dân đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 193 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể đạt hạng từ 3 sao trở lên, cụ thể, có 145 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, 46 sản phẩm 4 sao, 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu thuộc 6 nhóm ngành gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải – may mặc, dịch vụ du lịch cộng đồng. Năm 2021, tỉnh tiếp tục đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 73 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ và 4 sản phẩm thuộc nhóm du lịch, dịch vụ. Thời gian gần đây, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cam Sành, mật ong Bạc hà và chè Shan tuyết cổ thụ đã được đưa vào tiêu thụ tại chuỗi siêu thị Vinmart, góp phần ổn định đầu ra, nâng cao thu nhập cho người dân, HTX; thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu trồng, chế biến đến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Đồng chí Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP, có thể đánh giá đây là hướng đi đúng và phù hợp, đặc biệt là với địa phương có nhiều tiềm năng và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Với sự hỗ trợ tích cực của các cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn, các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, được đông đảo người tiêu dùng trong nước biết đến, góp phần tạo dựng uy tín và thương hiệu vững chắc cho nông sản, tạo sức bật cho xây dựng Nông thôn mới, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.