BVR&MT – Nghiên cứu mới từ Úc cho thấy việc tiêu thụ nhựa có thể khiến chim biển con bị tổn thương não “tương tự như bệnh Alzheimer”, cung cấp thêm bằng chứng về tác động tàn phá của ô nhiễm nhựa đối với động vật hoang dã biển.
“Chim biển nuốt phải nhựa không phải điều gì mới mẻ. Chúng ta biết về điều này từ những năm 1960 nhưng nhiều nghiên cứu chỉ tập trung vào những loài chim gầy gò, ốm yếu: chúng đói, dạt vào bờ biển và không khỏe mạnh. Chúng tôi muốn tìm hiểu tình trạng của những loài chim đã ăn phải nhựa nhưng trông vẫn khỏe mạnh”, Alix de Jersey, nghiên cứu sinh tại Khoa Y, Đại học Tasmania, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã lựa chọn những chú hải âu đen (sable shearwaters) còn non để khảo sát. Đây là loài chim di cư giữa đảo Lord Howe của Úc và Nhật Bản. Chúng thường dành 90 ngày trong hang trước khi thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Trong số hàng chục cá thể được kiểm tra, các nhà nghiên cứu phát hiện rác thải nhựa đang gây ra những tổn thương cho chim non mà mắt thường không thể nhìn thấy, bao gồm sự phân hủy niêm mạc dạ dày, phá vỡ tế bào và thoái hóa thần kinh. Nhiều chim con vô tình bị bố mẹ cho ăn rác thải nhựa và tích tụ lượng nhựa cao trong dạ dày.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy ô nhiễm nhựa đã khiến chim con gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gây rối loạn dạ dày, gan, thận và não. “Trong các xét nghiệm máu, chúng tôi tìm thấy các mẫu protein rất giống với những mẫu ở những người mắc bệnh Alzheimer hoặc Parkinson. Nó gần như tương đương với một đứa trẻ nhỏ mắc bệnh Alzheimer. Những con chim này thực sự đang phải chịu tác động từ nhựa, đặc biệt là đối với sức khỏe não bộ của chúng”, Alix de Jersey cho biết.
Chim hải âu là một trong những loài chim bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi ô nhiễm nhựa. Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra hơn 400 mảnh nhựa trong một con chim hải âu non, trong đó nhựa đôi khi chiếm 5-10% tổng trọng lượng cơ thể của chúng.
Một số chim con có thể nôn ra một phần nhựa trước khi di cư nhưng nhiều cá thể không thể đào thải hoàn toàn. Điều này không khác gì một bản án tử hình trực chờ chúng. Những chú chim non trong nghiên cứu, sau khi được kiểm tra đã được rửa sạch dạ dày để chúng có thể bắt đầu di cư đến Nhật Bản mà không có bất kỳ chất thải nhựa nào bên trong.
Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng chưa đến 60 công ty đa quốc gia chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng ô nhiễm nhựa trên thế giới, trong đó 6 công ty chịu trách nhiệm cho một phần tư con số đó.
LH (Theo Theguardian)