Ô nhiễm hóa chất ảnh hưởng tới động vật hoang dã

BVR&MT – Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Biological Conservation cảnh báo các loài động vật có vú nhiệt đới đang sống trong một “cảnh quan hóa học”[1] thay đổi không ngừng, trong đó động vật hoang dã tiếp xúc ngày càng nhiều với hàng loạt các loại nhựa, dược phẩm, thuốc trừ sâu và hạt nano. Nghiên cứu cho rằng các mối đe dọa này chưa được nhận thức đầy đủ, do đó chúng ta phải hành động khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng này.

Nhà sinh vật học Colin Chapman – giáo sư Đại học George Washington, cùng các đồng nghiệp đã thực hiện một đánh giá tổng quan các tài liệu khoa học nghiên cứu về phạm vi “cảnh quan hóa học” – nơi sinh sống của các loài động vật có vú nhiệt đới trên cạn. Các nhà khoa học phát hiện ra đặc điểm chung lặp đi lặp lại trong các nghiên cứu là: một loạt các nghiên cứu về đề tài này chỉ đưa ra những cái nhìn thoáng qua về tác động của các chất ô nhiễm mà thôi.

“Chúng ta đang cố tình đầu độc động vật hoang dã nhiệt đới. Chúng ta không biết tác động của nó, nhưng chúng ta biết mình đang đầu độc chúng. Chúng ta biết mình đang đầu độc chính mình. Thế nhưng chúng ta vẫn không chịu hành động.” – Ông Chapman nói.

Nghiên cứu quần xã xavan tại Cerrado, Brazil cho thấy trong cơ thể lợn vòi Nam Mỹ (Tapirus terrestris) có tích tụ thuốc trừ sâu và kim loại nặng, gây lo ngại về những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe của chúng (Ảnh: Bernard Dupont/Flickr CC BY-SA 2.0)

Một thế giới đầy hóa chất

Đầu năm 2022, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tụ họp tại Stockholm Resilience Centre (SRC) và đưa ra cảnh báo rằng việc sản xuất, sử dụng và thải bỏ các hóa chất tổng hợp – được các nhà khoa học gọi là các “thực thể mới” – đã vượt qua ngưỡng chịu đựng và gây nguy hiểm đến môi trường, đe dọa “không gian sống an toàn của nhân loại.” Vấn đề ô nhiễm các thực thể mới chỉ là một trong 9 ranh giới hành tinh – 6 trong số đó, bao gồm cả biến đổi khí hậu, đã bị con người xâm phạm.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) năm 2019 ước tính rằng sản lượng của ngành công nghiệp hóa chất toàn cầu đã đạt 1,2 tỷ tấn. Năm 2017, ngành công nghiệp hóa chất được định giá lên đến 5,68 nghìn tỷ. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Khi tuyên bố ranh giới hành tinh “thực thể mới” đã bị phá vỡ vào tháng 1/2022, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, khoa học hiện nay đã không thể đánh giá được sự xâm nhập ngày càng nhanh và nhiều của các loại hóa chất hiện có và hóa chất mới vào môi trường.

Ở vùng nhiệt đới và các nơi khác đang tồn tại một loạt các “con đường” đưa chất hóa học ô nhiễm vào môi trường. Chẳng hạn như thuốc trừ sâu đang được sử dụng trong nông nghiệp với tỷ lệ ngày càng cao. Các ước tính trước đây cho rằng tỷ lệ là khoảng 2 triệu tấn hàng năm, trong khi một nghiên cứu gần đây cho thấy con số này có thể lên tới 4 triệu tấn một năm. Tương tự như vậy, nước thải đã qua xử lý được sử dụng làm phân bón có thể tạo ra một hỗn hợp dược phẩm độc hại, khiến kim loại nặng lắng đọng vào đất và nước ngầm. Nhựa phát tán vào không khí thông qua quá trình đốt cháy rác thải nhựa và đi vào trong đất và nước khi bị con người vứt bỏ. Tại những nơi đó, chúng biến chất thành vi nhựa.

Gia tăng sản xuất nông nghiệp và sử dụng dược phẩm ở các nước nhiệt đới (thậm chí ở những vùng xa xôi của Amazon, Brazil), cùng với các quy định lỏng lẻo cho phép sử dụng các hóa chất (vốn dĩ bị cấm ở những nơi khác) có thể làm tăng nguy cơ gây hại của hóa chất. Ông Chapman cho biết, hiểu biết chung về tác động của các chất ô nhiễm hóa học đến môi trường không phải là mới, nhưng việc nghiên cứu ở các vùng nhiệt đới đang bị tụt hậu.

Các nghiên cứu và báo cáo thường chỉ tập trung vào các trường hợp giết hại động vật hoang dã có chủ đích bằng cách sử dụng hóa chất hoặc những trường hợp giết động vật hàng loạt mà không cố ý. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, gần đây kền kền đã bị chết hàng loạt do ngộ độc thuốc trừ sâu – vốn được dùng để giết chó hoang. Những sự kiện như vậy có thể thu hút sự chú ý của báo chí và các nhà nghiên cứu. Nhưng mặt khác, Chapman lại lo ngại không kém về những tác động dưới ngưỡng tử vong do việc tiếp xúc với hóa chất trong thời gian dài có thể gây ra.

Một con khỉ rú (Alouatta palliata). Michael Wasserman và các đồng nghiệp của ông đã phân tích phân của các loài linh trưởng trong các khu bảo tồn ở Costa Rica và Uganda, kết quả cho thấy chúng có sự tiếp xúc với các chất ô nhiễm hóa học. Tác động của các chất hóa học đến sức khỏe và thể chất hiện chưa được làm rõ. (Ảnh: Michelle Benavidez Westrich).

Nhìn xa hơn cái chết

Nhà hóa học môi trường Kurunthachalam Kannan – Giáo sư y học môi trường và nhi khoa tại Trung tâm Y tế học thuật Langone Health, Đại học New York không tham gia vào nghiên cứu trên, nhưng cũng đồng ý rằng việc tiếp xúc với hóa chất rất đáng lo ngại. Hiện nay, người ta biết nhiều về tác động dưới mức gây chết ở người hơn là ở quần thể động vật hoang dã. Ông nói: “Các tác động dưới mức gây chết liên quan đến sức khỏe như giảm khả năng sinh sản, hệ thống miễn dịch bị ức chế và chức năng nội tiết bị thay đổi có thể làm suy giảm sự sống còn của động vật hoang dã, có thể phá vỡ cấu trúc và chức năng của hệ sinh thái”.

Một nghiên cứu công bố hồi năm ngoái cho thấy việc tiêu thụ trái cây bị nhiễm deltamethrin – loại thuốc trừ sâu trong nông nghiệp – có thể gây ra hiện tượng stress oxy hóa trong tinh hoàn của dơi ăn trái cây, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của chúng “ngay cả với nồng độ thấp, theo quy định trên thị trường”.

Công trình nghiên cứu của Chapman và Michael Wasserman, đồng tác giả nghiên cứu gần đây, phối hợp với Phòng thí nghiệm Nội tiết Môi trường Linh trưởng, Đại học Indiana, chỉ ra rằng các hóa chất, bao gồm cả thuốc trừ sâu và chất làm chậm cháy (một số được công nhận là chất gây rối loạn nội tiết), kể cả đã qua sử dụng hay đang được sử dụng, đều đang có mặt ở các vùng nhiệt đới. Chúng được phát hiện trong không khí và xung quanh các Trạm sinh học Las Cruces và La Selva ở Costa Rica, và tại Vườn quốc gia Kibale ở Uganda. Một nghiên cứu sau đó cũng phát hiện dấu vết của những chất hóa học này trong phân của các loài linh trưởng như khỉ đỏ colobus, tinh tinh và khỉ đuôi đỏ. Tuy nhiên, vẫn chưa ai biết được ảnh hưởng của việc tiếp xúc hóa chất đối với các loài này.

“Có phải những con vật đó sẽ sống ít hơn một chút không? Chúng có bị ung thư không? Tiếp xúc hóa chất có làm tăng tỷ lệ tử vong của chúng không?” Chapman tự hỏi! Nhưng đây là những câu hỏi chưa có câu trả lời cho hầu hết các loài đã tiếp xúc hóa chất, bao gồm cả các loài linh trưởng. Ô nhiễm hóa chất không có khả năng làm tuyệt chủng loài, nhưng nó có thể cản trở các nỗ lực bảo tồn hiện nay.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những con khỉ đột núi (Gorilla beringei) có nguy cơ tuyệt chủng ở Vườn quốc gia Bwindi, Uganda do tiếp xúc với thuốc trừ sâu từ việc trồng chè của người dân và ăn phải lá cây bị nhiễm hóa chất. Nghiên cứu kết luận rằng điều này có thể đem lại “những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn” cho những con khỉ đột trưởng thành và vị thành niên, mặc dù mức độ nguy hại vẫn chưa được đánh giá đầy đủ. (Ảnh: Rhett A. Butler / Mongabay)

Nhà độc tố sinh thái học Michael Bertram phối hợp với Đại học Khoa học Nông nghiệp Thụy Điển thực hiện nghiên cứu tác động của ô nhiễm hóa chất lên hành vi của động vật – một lĩnh vực khác mà hiện nay chưa được nghiên cứu đầy đủ. Kết quả là ông Michael Bertram cũng tỏ ra rất lo ngại: “Các tác giả đã chỉ ra rằng những vụ chết hàng loạt của động vật hoang dã trên quy mô lớn là một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng về sự hiện diện của các chất ô nhiễm hóa học ở nhiều mức độ độc hại khác nhau trong hệ sinh thái. Nhưng việc động vật hoang dã tiếp xúc với một hỗn hợp vô hình các chất hóa học, các tác nhân gây stress khác như mất môi trường sống và biến đổi khí hậu [làm giảm khả năng phục hồi của chúng] còn phổ biến hơn nhiều.”

Nghiên cứu của Chapman và các cộng sự đã liệt kê các phương thức tiềm ẩn dẫn đến việc các loài động vật tiếp xúc với hóa chất ô nhiễm. Tuy nhiên, Bertram cho rằng, còn nhiều phương thức tiếp xúc với hóa chất hơn mà con người chưa chỉ ra được. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy hóa chất được tích tụ ở nồng độ cao trong các loài cá, sau đó có thể tiếp tục truyền tới loài khác qua chuỗi thức ăn của chúng.

Bertram cho hay: “Các loài động vật có vú nhiệt đới ăn cá bị nhiễm độc hoặc các loài thủy sinh khác, uống nước bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với trầm tích bị ô nhiễm, từ đó sẽ tiếp xúc với các chất ô nhiễm có khả năng gây hại.”

Một mối quan tâm khác là tác động đồng thời của ô nhiễm hóa chất với các yếu tố gây stress khác. Việc chuyển đổi các cánh rừng sang làm nông nghiệp, hoặc việc các cánh đồng, đồng cỏ và đường xá không ngừng “ăn mòn” các bìa rừng làm tăng khả năng tiếp xúc với hóa chất, Wasserman nói: “Bạn càng phân mảnh cảnh quan thì càng có nhiều vùng rìa mà ở đó cảnh quan rừng bị con người thống trị, do đó tạo điều kiện cho các thực thể mới xâm nhập vào hệ sinh thái.”

Biến đổi khí hậu cũng tương tác với ô nhiễm hóa chất theo nhiều cách, và làm trầm trọng thêm hoặc thay đổi tác động của một số chất gây ô nhiễm. Nghiên cứu của Chapman dẫn chứng việc cháy rừng do sự nóng lên toàn cầu đã dẫn quần thể nai sừng tấm bị chết do ngạt khói.

“Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ mà một dạng thay đổi môi trường, trong trường hợp này là biến đổi khí hậu, làm tăng khả năng xảy ra và mức độ nghiêm trọng của các đám cháy, cũng làm gia tăng một dạng thay đổi môi trường khác, đó là ô nhiễm không khí (và ô nhiễm nước) gây ra bởi các hạt vật chất,” Bertram nói. Tuy vậy, tác động của khói độc hại từ các vụ cháy rừng đối với các loài thú có vú nhiệt đới hiện vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ.

Theo dõi sức khỏe, nghiên cứu tác động

Rõ ràng, các loài động vật có vú nhiệt đới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng hóa học ngày càng trầm trọng, nhưng chúng ta vẫn chưa rõ vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào. Chapman và Wasserman kêu gọi có thêm các nghiên cứu và sự theo dõi lâu dài để hiểu rõ hơn vấn đề này, tuy nhiên trong thời gian chờ đợi những nghiên cứu tiếp theo chúng ta cũng phải xây dựng các nguyên tắc phòng ngừa khi sử dụng hóa chất.

Wasserman lưu ý: “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều tiềm năng trong việc nghiên cứu vấn đề này ở các loài linh trưởng hoang dã. Bởi vì chúng là loài lý tưởng để nghiên cứu sự tiếp xúc với các “thực thể mới” và còn nhằm giải quyết các mối lo ngại với sức khỏe con người.”

Chapman cho biết thêm, theo dõi lâu dài sức khỏe quần thể động vật hoang dã sẽ không chỉ giúp chúng ta hiểu và định lượng quy mô cũng như tác động của ô nhiễm hóa chất, mà còn đóng vai trò như một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các bệnh mới – một hệ thống đặc biệt quan trọng trong thời buổi đại dịch Covid-19.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Kannan, Đại học New York, cho rằng cần phải có những nghiên cứu sâu hơn về các tác động của hóa chất đối với động vật hoang dã nhiệt đới: “Chúng ta cần phát triển và hỗ trợ thế hệ các nhà nghiên cứu tương lai trong lĩnh vực độc tố sinh thái học động vật hoang dã. Ngoài ra, các nghiên cứu liên ngành về đề tài này cũng rất cần thiết, đòi hỏi sự hợp tác với các nhà sinh vật học động vật hoang dã, bác sĩ thú y, nhà độc chất học, nhà hóa học và quan trọng hơn cả là sự tham gia và hỗ trợ của cộng đồng.”

Tương tự, các tổ chức quốc tế như UNEP và Ủy ban Quốc tế về Ô nhiễm Hóa học cũng kêu gọi các nghiên cứu liên ngành và đang có ý định phát triển Ban Chính sách – Khoa học Toàn cầu để giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, Chapman và các cộng sự đang tích cực nghiên cứu hàm lượng nhựa và thuốc trừ sâu trong phân của các loài linh trưởng tại hơn 20 địa điểm ở Trung và Nam Mỹ, châu Phi và châu Á. Nỗ lực này là một ví dụ về hình nghiên cứu và giám sát trong dài hạn để chúng ta thực sự hiểu được cảnh quan hóa học mà các loài động vật có vú nhiệt đới hiện đang sinh sống.

“Để hành động một cách sáng suốt, chúng ta cần có cơ sở hạ tầng, năng lực nghiên cứu và nhiều thông tin hơn về tác động dưới mức gây chết. Đồng thơi, chúng ta phải cải tiến cách thu thập thông tin và mở rộng quy mô thông tin đó.” – Ông Chapman kết luận.

Trúc Mai (Theo Mongabay)


[1] Chemical landscape: cảnh quan trong đó các yếu tố của nó được xem xét dưới góc độ hóa học