BVR&MT – Đối với cộng đồng người Jrai ở tỉnh Gia Lai, việc lấy nước ở bến nước và tín ngưỡng về nguồn nước mát lành là một nếp sống, một nét văn hóa truyền thống lâu đời tạo nên bản sắc riêng của đồng bào dân tộc Jrai.
Với người Jrai, nguồn nước có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, những nơi lập bản làng của đồng bào luôn gắn liền với nguồn nước sạch. Từ xưa đến nay, dùng nước giọt vẫn được người dân làng bản tiếp nối như một truyền thống của cha ông, quá trình sinh sống hoà đồng với cuộc sống thiên nhiên, làm nương rẫy đã hình thành văn hóa ứng xử với nguồn nước của người Jrai, tỉnh Gia Lai
Già làng A Miu, người Jrai, tỉnh Gia Lai cho hay, khi chọn đất lập làng, người Jrai thường chọn khu vực có nguồn nước mạch chảy ra từ khe núi. Nguồn nước sạch này được đồng bào dẫn dòng về bản bằng máng tre, dần hình thành bến nước chung của cả làng. Khi đã có bến nước, già làng mới chọn đất dựng nhà Rông, lập làng mới, dân làng tập trung quanh nguồn nước sinh sống, canh tác nông nghiệp.
Để có đủ nước sử dụng cho cả buôn làng, người Jrai đào hồ, hay cải tạo các vách núi để ngăn nước tích trữ sử dụng, phòng khi tiết khô trời khô hạn, nương rẫy, ruộng vườn, cây trồng có nguồn nước để tưới tiêu. Nguồn nước từ khe núi chảy ra trong trẻo, dồi dào còn thể hiện sự giàu có, thịnh vượng của bản làng, bởi vậy người Jrai rất quý trọng nguồn nước.
Trong đời sống tín ngưỡng đồng bào Jrai có các lễ hội lâu đời liên quan tới nguồn nước như lễ lập bến nước, cúng bến nước. Bến nước nơi có nguồn nước chính phục vụ sinh hoạt của cả cộng đồng là một không gian linh thiêng. Hằng năm, khi mùa màng thu hoạch xong họ phải tổ chức lễ cúng bến nước để tạ ơn Yàng đã mang những điều tốt đẹp đến cho dân làng. Vào dịp này, người Jrai cùng nhau dọn dẹp bến nước, thay thế máng nước cũ bằng máng mới, vệ sinh nguồn nước để sạch sẽ, thanh mát.
Có dịp trải nghiệm một lễ cúng bến nước của người Jrai, tỉnh Gia Lai, mới thấy lễ hội này chứa đựng những hình thức biểu hiện độc đáo thông qua ngôn ngữ, văn tự, nghệ thuật diễn xướng dân gian, tính kết nối cộng đồng. Cách ứng xử của đồng bào Jrai với nguồn nước là một mạch nguồn văn hoá không bao giờ cạn.
Thông thường Lễ cúng bến nước tổ chức vào tháng 4 hoặc tháng 5, địa điểm tại bến nước của làng. Trước ngày làm lễ, dân làng sẽ chọn ra một chủ lễ là người có uy tín với cộng đồng, am hiểu tập tục, có vai trò dẫn dắt, điều hành buổi lễ. Để tiến hành lễ, già làng phân công công việc cho dân làng, người vào rừng chặt lồ ô mang về dựng cây nêu, thanh niên mạnh khoẻ phát cây, dọn dẹp cỏ dại trên đường xuống bến nước. Theo tín ngưỡng của đồng bào Jrai, dân làng sẽ dựng một hàng rào bằng tre bao quanh nguồn nước để tạo một không gian hành lễ trang nghiêm.
Vào ngày diễn ra lễ cúng bến nước, mặt trời vừa mọc, dân làng đi thành một hàng từ nhà rông ra bến nước, mang theo lễ vật dâng lên Yàng Ia (vị thần bảo vệ nguồn nước). Lễ vật gồm một con heo, một con gà và một ghè rượu cúng. Heo và gà làm lễ được thui trên lửa, kiêng không dùng nước để rửa hay dọn dẹp tại bến nước trong thời gian trước và khi hành lễ. Chỉ những người đàn ông mới tham gia các công việc làm lễ cúng tại bến nước.
Bài trí lễ vật xong, chủ lễ bắt đầu khấn, phần đầu mời các vị thần băng rừng, vượt suối về với bến nước của làng thụ hưởng lễ vật; phần sau chủ lễ cầu khấn Yàng ban cho dân làng có một nguồn nước trong lành, dân làng ấm no, sức khỏe dồi dào, hạnh phúc.
Sau phần khấn cầu, chủ lễ dùng một que nhỏ khơi thông nguồn nước, dùng một quả bầu khô hứng nước đổ vào ghè rượu, sau đó già làng là người uống nước đầu tiên, tiếp đó mời mọi người uống những giọt nước mát. Khi kết thúc phần lễ, người Jrai sôi nổi hoà mình với những điệu múa, những điệu cồng chiêng truyền thống ngày Hội.
Phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai) cho biết, dù hiện nay đời sống được nâng cao, đã có các nguồn nước khác như nước giếng, nước máy, nhưng đồng bào Jrai vẫn giữ nếp sống lấy nước giọt về sinh hoạt. Hoạt động cộng đồng này cùng với nghi lễ cúng bến nước đã tạo nên bản sắc riêng của người Jrai trong kho tàng văn hóa Tây Nguyên./.