Nước mặn bủa vây ĐBSCL: Linh hoạt các phương án sản xuất

BVR&MT – Sản xuất lúa Thu Đông, Đông Xuân né hạn, mặn là một trong những kế hoạch của các địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thu hoạch lúa Đông Xuân tại thị xã Ngã Năm.

Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng gay gắt ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều địa phương đã chủ động liên kết với các tổ chức khoa học, để ứng dụng những mô hình sản xuất thích ứng với tình hình, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Đặt trạm quan trắc sản xuất lúa

Sản xuất lúa Thu Đông, Đông Xuân né hạn, mặn là một trong những kế hoạch của các địa phương ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngay từ tháng 12/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo các địa phương xuống giống lúa Đông Xuân sớm hơn 1 tháng, chọn giống ngắn ngày để giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất trong sản xuất lúa.

Dù còn nhiều nơi không tránh khỏi thiệt hại, nhưng cũng có địa phương làm rất tốt, thu hoạch lúa Đông Xuân trước khi mùa hạn bắt đầu.

Tại Hợp tác xã Cây Chôm (ấp Cây Chôm, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang), ông Lê Hoàng Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lình Huỳnh, cho biết, sản xuất lúa hiện nay không còn dựa vào trực giác và thói quen của nông dân.

Nông dân Hợp tác xã Cây Chôm đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để quản lý nguồn nước tưới cho đồng ruộng, kiểm tra các thông số trong nước bằng máy đo chỉ tiêu cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, thành viên Hợp tác xã Cây Chôm hiện đang canh tác hơn 3ha giống lúa DS1, có ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa.

Theo bà Thu, Hợp tác xã Cây Chôm được Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền hỗ trợ kinh phí 500 triệu đồng cho mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, đầu tư các thiết bị ứng dụng công nghệ cao, tập huấn, vận hành quy trình kỹ thuật.

Trên diện tích canh tác lúa, hợp tác xã gắn 4 trạm quan trắc nước, 6 thiết bị đo cảm biến, 1 cầu dao tự động. Nhờ đó, diện tích lúa đạt năng suất cao hơn trước từ 20% trở lên.

Đặc biệt, gần đây hợp tác xã ứng dụng các công nghệ vào sản xuất lúa, giúp chi phí thấp hơn rất nhiều, lợi nhuận cũng được cao hơn.

Nông dân khóm Vĩnh Tiền, phường 3, thị xã Ngã Năm phơi lúa.

Ông Lê Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang cho biết các trạm quan trắc nước này được lắp đặt ở đầu nguồn các cửa sông để kiểm soát các yếu tố môi trường nước như độ mặn, độ pH, kiềm…

Trên cánh đồng, các thiết bị đo cảm biến canh tác ướt, khô xen kẽ giúp người dân giám sát bề mặt ruộng tự động. Khi nước trong ruộng cao, nông dân có thể chủ động bơm tát tháo nước ra bên ngoài và ngược lại.

Tất cả các thiết bị này đều được cài sẵn ứng dụng trên điện thoại thông minh di động kết nối Internet, nông dân có thể theo dõi mực nước, độ mặn của nước, các yếu tố môi trường bất lợi cho đồng ruộng. Nhờ vậy, bà con luôn nắm được thời điểm thích hợp để bơm nước vào ruộng.

Đặc biệt, trạm quan trắc giúp nông dân tránh bơm nhầm nước mặn vào như trước đây. Đồng thời, nông dân có thể quyết định việc đóng mở van, mở tắt cầu dao điện qua điện thoại ở bất cứ đâu mà không cần phải ra ruộng lúa thực hiện các thao tác này.

Với việc đầu tư trạm bơm, hệ thống kênh mương nội đồng và triển khai mô hình canh tác lúa thông minh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, bà con đã chủ động được việc bơm nước và gieo sạ sớm hơn các năm trước.

Chuyển đổi sản xuất

Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ngày càng ít trong mùa khô, cùng với việc trữ nước vận hành các đập thủy điện thượng nguồn, làm cho nguồn nước ngọt vùng Đồng bằng sông Cửu Long không còn dồi dào trong mùa khô. Chính vì vậy, nhiều địa phương đã rút kinh nghiệm, linh hoạt chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên hơn.

Với đặc điểm tự nhiên tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, nhiều nông dân đã không còn cứng nhắc chỉ chuyên canh cây lúa trên đồng ruộng. Thay vào đó, họ đã luân canh một vụ lúa, một vụ tôm để gia tăng giá trị kinh tế trên cùng một diện tích.

Cũng chính vì thế, mùa khô năm 2020 này, nông dân đã chuyển sang nuôi tôm. Đây vừa là phương pháp sản xuất linh hoạt, hiệu quả, gia tăng kinh tế, lại vừa giúp người dân tránh thiệt hại do xâm nhập mặn gay gắt.

Ông Tạ Minh Bạch, ngụ tại ấp Hòa Đê, xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên sản xuất 6.000m2 lúa-tôm. Mỗi vụ tôm thu được hơn 1,5 tấn tôm thương phẩm, mỗi vụ lúa thu được hơn 3 tấn lúa.

“Tuy cách sản xuất này mang lại lợi nhuận không lớn như hình thức chuyên canh cây lúa hoặc con tôm, nhưng lại rất linh hoạt và bền vững, nhất là trước thách thức của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn hiện nay,” ông Bạch chia sẻ.

Nhận định về mô hình sản xuất này, ông Tăng Thanh Trí, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết mô hình sản xuất này rất thân thiện với môi trường.

Chất thải của con tôm sẽ là nguồn phân bón cho lúa. Ngược lại, cậy lúa sẽ làm sạch môi trường trong ao tôm, cung cấp các thức ăn cho con tôm, góp phần cho vụ tôm năm sau dễ thành công hơn. Ngoài ra, khi luân canh lúa tôm sẽ giúp cắt đứt mầm bệnh cho cả tôm và lúa.

Theo ông Đào Đắc Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, huyện đang xây dựng đề án lúa thơm, tôm sạch. Đặc biệt, huyện sẽ chú trọng khai thác những dòng lúa đặc sản của tỉnh Sóc Trăng.

Vùng chuyên canh lúa-tôm huyện Mỹ Xuyên đã hình thành từ 20 năm. Cho đến thời điểm này, mô hình luân canh lúa-tôm này lại phát huy hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn gay gắt toàn khu vực.

Để có thể phát triển bền vững, nông dân huyện Mỹ Xuyên đã hướng đến sản xuất an toàn thực phẩm, đạt chứng nhận VietGAP; trong đó có 60ha đạt chứng nhận lúa hữu cơ.

Như vậy, dù xâm nhập mặn gây khó khăn và thiệt hại không nhỏ cho người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng bằng cách ứng phó linh hoạt, người dân nơi đây cũng từng bước sống chung với mặn trên vùng đất này.