BVR&MT – Dù biến đổi khí hậu thường được cho là nguyên nhân gây ra ngập lụt vùng ven biển ở những nơi như Vịnh Bengal nhưng các yếu tố khác như xây đập và đô thị hóa cũng đóng một vai trò quan trọng. Giới khoa học cho rằng chính sách phát triển bền vững hơn có thể giảm thiểu tác động của nước biển dâng.
Mỗi năm, hàng trăm ngàn người Hindu hành hương đến Sagar – hòn đảo hình giọt nước mắt ở cửa sông Hooghly, cách phía nam Kolkata hơn 90 km. Đích đến là một ngôi đền nằm ở mũi phía nam, nơi hòn đảo hướng ra biển khơi. Vị trí này được tôn kính, là nơi sông Hằng linh thiêng chảy vào vịnh Bengal và hòa vào Ấn Độ Dương. Những năm gần đây, Hooghly còn được biết đến như một cửa sông của những hòn đảo biến mất: Ba hòn đảo đã bị nhấn chìm trong vài thập kỷ qua. Một số ngôi làng ở Sagar buộc phải lui dần vào trước đà tiến của biển. Nhiều người mô tả cư dân ở đây là những người tị nạn khí hậu đầu tiên của khu vực do mất đất vì nước biển dâng.
Tuy nhiên, khoa học cho thấy một câu chuyện phức tạp hơn. Các nhà nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chính gây sụt lún và sạt lở bờ biển ở cửa sông Hooghly là việc xây dựng các con đập trên những dòng sông chảy vào Vịnh Bengal làm giảm mạnh nguồn cung trầm tích. Nơi nào phù sa vẫn đổ về và thủy triều giữ lại, các đảo ngập mặn đang phát triển – một trong số đó là New Island đã tăng gấp ba lần diện tích. Giám đốc Trường Nghiên cứu Hải dương học Tuhin Ghosh thuộc Đại học Jadavpur ở Kolkata cho biết việc nạo vét và xây bờ kè bảo vệ cảng địa phương làm thay đổi động lực học của cửa sông, gây ra tăng xói mòn một số hòn đảo. Và ở Sagar, cồn cát gần ngôi đền đã bị san phẳng để làm đường bê tông. Ghosh nói: “Nếu bạn loại bỏ các rào cản tự nhiên và san phẳng đất, nước sẽ dâng cao hơn. Mực nước biển dâng chỉ là một phần của bức tranh.”
Như nhiều cộng đồng ven biển, cư dân đảo Sagar đang đương đầu với biến đổi khí hậu nhưng họ dễ bị tổn thương vì các quá trình ở Đồng bằng sông Hằng-Brahmaputra nằm giữa miền đông Ấn Độ và Bangladesh (từ những thay đổi kiến tạo tự nhiên và chuyển động của sông cho đến sự can thiệp của con người như đập, đô thị hóa và khai thác nước ngầm) cũng như nước biển dâng. Robert Nicholls, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu Tyndall cho biết: “Các đồng bằng được định hình do nhiều nhân tố theo những khoảng thời gian khác nhau”. Mặc dù biến đổi khí hậu thường là nguyên nhân chính nhưng điều quan trọng là phải hiểu được những yếu tố khiến các vùng biển lấn sâu vào các châu thổ trên thế giới. Mặt khác, giống như một bệnh nhân được kiểm tra một căn bệnh, “bạn có thể nghĩ rằng đó là một bệnh và bạn sẽ không thể giải quyết được vấn đề”.
Mặc dù mực nước biển dâng sẽ thúc đẩy tình trạng ngập lụt ven biển trong trung và dài hạn nhưng giới khoa học cho rằng yếu tố chính trong ngắn hạn là những thay đổi cục bộ liên quan đến hoạt động của con người. Đầu tư phát triển làm cho một số đồng bằng châu thổ màu mỡ và đông dân nhất trên thế giới dễ bị tổn thương hơn trước nước biển dâng. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các dự án thủy điện ở thượng nguồn, cùng với việc khai thác cát để xây dựng các thành phố đang phát triển đã làm giảm hơn một nửa dòng trầm tích dẫn đến sụt lún đất, xâm nhập mặn và sạt lở. Ở đồng bằng sông Volta (Ghana), sạt lở gia tăng sau khi việc xây dựng các con đập vào những năm 1960 đã cắt đứt dòng chảy trầm tích. Đồng bằng sông Mississippi cũng mất 2.000 dặm vuông trong thế kỷ 20 do Công binh Lục quân Hoa Kỳ xây dựng một mạng lưới dày đặc các con đê để kiểm soát lũ lụt và các công ty dầu khí đào kênh rạch để vận tải giàn khoan cùng các thiết bị khác đến hoặc rời khỏi vịnh Mexico.
Nghiên cứu mới nêu bật những thay đổi tương tự ở Đồng bằng sông Hằng-Brahmaputra, nơi sinh sống của hơn 1/5 trong số 500 triệu người sống ở các đồng bằng trên thế giới. Các vùng duyên hải đồng bằng đang bị thu hẹp, đặc biệt là ở phía tây trong khi các khu vực ở phía đông ổn định hoặc đang phát triển. Ước tính mới về sụt lún đất cho thấy nước biển trong khu vực có thể dâng cao hơn tới 70% so với dự báo hiện tại ở một số khu vực. Và nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các dự án phát triển liên quan đến nông nghiệp có thể là yếu tố quan trọng hơn biến đổi khí hậu trong vài thập kỷ tới.
Tất cả nhấn mạnh thực tế rằng dù nước biển dâng không nằm trong tầm kiểm soát trực tiếp của các cộng đồng ven biển toàn cầu nhưng các lựa chọn phát triển thì có, đặc biệt là những lựa chọn tăng cường năng lực của các hệ thống phòng thủ tự nhiên. Đó là thúc đẩy rừng ngập mặn phát triển, khôi phục dòng chảy của sông để tăng nguồn cung cấp trầm tích bồi đắp đất đai và giảm phụ thuộc vào nước ngầm vốn làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún. Nicholls phân tích: “Có xu hướng các châu thổ bị xóa sổ [do nước biển dâng]. Nhưng cách bạn phát triển có sức mạnh định hình tương lai”.
***
Dấu tích của những tòa nhà bằng gạch và những gốc dừa nằm rải rác trên bãi biển Dhablat thuộc bờ đông nam đảo Sagar. Ngôi làng nhìn ra biển khơi với đường chân trời xanh thẳm vô hạn nhấp nháy dưới ánh nắng trưa và đã mất hai trường tiểu học do nước dâng cùng một nửa ngôi làng giờ cũng không còn nữa; số nhà còn lại nằm phía sau bờ kè. Hầu hết nam giới trẻ tuổi rời đến Kolkata hoặc các nơi khác làm công việc thời vụ.
15 năm trước, gia đình Jaba Das được chính phủ di dời đến đây từ đảo Ghoramara gần đó (bây giờ phần lớn hòn đảo đã chìm trong nước). Từ đó đến nay, bà được chứng kiến đường xá và điện lưới được cải thiện. Các con bà hiện làm việc ở ngoại ô Kolkata. Nhưng bà không muốn rời đi mặc dù thường xuyên có bão và lũ lụt. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy gần 1/5 số hộ gia đình ở Sundarbans – vùng đầm lầy và rừng ngập mặn rìa đồng bằng – có một người di cư để có tương lai tốt hơn.
Sundarbans là mạng lưới các kênh thủy triều, bãi bồi và rừng ngập mặn, là hệ sinh thái lớn nhất trên thế giới. Khu vực này được hình thành qua hàng nghìn năm từ trầm tích sông Hằng và sông Brahmaputra bồi đắp. Vào thế kỷ 16, một trận động đất làm nghiêng lưu vực về phía đông, giảm dòng chảy nước sông Hằng đến phía tây Sundarbans. Sau đó thực dân Anh đã chặt phá rừng và xây dựng thành phố cảng Kolkata. Nửa sau của thế kỷ 20, chính phủ Ấn Độ khai thác các con sông phục vụ tưới tiêu và cung cấp năng lượng, xây dựng hàng nghìn con đập trên các con sông ở thượng nguồn cũng như đập chuyển nước khổng lồ dài gần 2.300 m Farakka Barrage đầy tranh cãi. Các thành phố và trang trại được mở rộng, thường lấn vào vùng đất ngập nước. Giáo sư Sugata Hazra, cựu giám đốc trường hải dương học thuộc Đại học Jadavpur cho biết: “Đã có hàng trăm sự can thiệp của con người làm thay đổi thủy quyển”.
Thay đổi quan trọng nhất là về dòng trầm tích. Theo một nghiên cứu năm 2018, đồng bằng sông Hằng-Brahmaputra (thường được mô tả là hệ thống phân tán trầm tích lớn nhất thế giới) đã chứng kiến lượng trầm tích giảm một nửa trong khoảng thời gian từ 1960 – 2008, từ 1 tỷ xuống 500 triệu tấn mỗi năm, theo một nghiên cứu năm 2018. Nghiên cứu cho biết sự sụt giảm dự kiến sẽ tiếp tục, giảm xuống còn 79 triệu đến 92 triệu tấn mỗi năm vào năm 2100. Lượng trầm tích giảm mạnh càng mở đường cho nước biển dâng. Một nghiên cứu công bố năm 2020 phân tích dữ liệu hình ảnh vệ tinh và phát hiện ra rằng Sundarbans mất 137 km2 rừng ngập mặn chỉ trong thời gian 1984-2018, phần lớn là ở rìa phía nam. Bù lại, lượng bồi đắp là 62 km2 mặc dù một số khu vực chỉ được bồi đắp nhất thời hoặc theo mùa.
Theo Hazra, trầm tích là phòng vệ tự nhiên của vùng châu thổ chống lại biển và “hiện nay nước biển dâng cao còn chúng tôi không có trầm tích để chống lại”. Các hoạt động khác của con người cũng gây ra sụt lún, đặc biệt là khai thác dầu khí và nước ngầm. Giới nghiên cứu phát hiện ra tỷ lệ sụt lún đất tới 2,2 cm/năm ở thủ đô Dhaka của Bangladesh, có thể do khai thác nước ngầm và trọng lượng của cơ sở hạ tầng đô thị. Tốc độ này không nghiêm trọng bằng các khu vực như Jakarta ở Indonesia – nơi đang sụt lún quá nhanh khiến chính quyền phải lên kế hoạch xây dựng một thủ đô mới ở nơi khác. Nhưng một nghiên cứu dự đoán rằng với tốc độ hiện tại, đồng bằng sông Hằng-Brahmaputra có thể chìm xuống tới 0,35m vào năm 2050, làm trầm trọng thêm tình trạng nước biển dâng.
Những dự phóng đó không giải thích cho các thay đổi về phát triển có thể làm tăng tốc độ sụt lún hơn nữa. Ví dụ, mở rộng các siêu đô thị như Kolkata và Dhaka, có tổng dân số 35 triệu người, có nghĩa là sẽ có nhiều cơ sở hạ tầng hơn và hệ thống phòng chống lũ lụt có thể giữ lại nhiều trầm tích hơn. Đồng tác giả nghiên cứu Nicholls thẳng thắn: “Điều chúng tôi phát hiện là cách bạn phát triển có thể quan trọng hơn cách biến đổi khí hậu diễn ra”.
Các cộng đồng đồng bằng trên khắp thế giới đang phải đối mặt với những thách thức tương tự như những gì đang diễn ra ở đồng bằng sông Hằng-Brahmaputra. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, khai thác nước ngầm để nuôi trồng thủy sản và nước sinh hoạt được cho là góp phần làm sụt lún 1-3cm/năm – lớn hơn nhiều nước biển dâng. Một phân tích năm 2019 cũng nhấn mạnh tác động từ hoạt động khai thác cát dọc sông với ước tính khoảng 17 triệu mét khối chỉ trong năm 2018. Năm 2020, nước biển tiến sâu vào đồng bằng hơn bao giờ hết và tồn tại trong 4 tháng thay vì 1 tháng như bình thường. Nguyên nhân được cho là do các đập ở thượng nguồn ở Trung Quốc làm giảm dòng chảy sông và lòng sông bị khai thác cát đào sâu.
Ở đồng bằng sông Volta tại Ghana, lượng vận chuyển trầm tích thông thường 71 triệu m3 mỗi năm được cho là giảm 90% sau khi xây dựng đập Akosombo năm 1965, đe dọa sự ổn định của bờ biển phía đông. Đê kè làm chậm xu hướng ở một số khu vực nhưng nhiều khu vực khác vẫn gặp rủi ro, theo nghiên cứu từ dự án vùng đồng bằng, tính dễ bị tổn thương và biến đổi khí hậu: Di cư và Thích nghi (DECCMA) – một sáng kiến quốc tế nghiên cứu các điều kiện ở sông Volta, sông Hằng và Đồng bằng Mahanidhi ở Ấn Độ. Tại Sundarbans, giới nghiên cứu đã phát triển bản đồ rủi ro dựa trên các hiểm họa khí hậu cũng như các yếu tố kinh tế xã hội, chẳng hạn như phụ thuộc vào canh tác hoặc đánh bắt quá mức. Trong số những nơi gặp rủi ro nhất có đảo Sagar.
Theo Hazra và Ghosh, nghiên cứu khoa học rất quan trọng để tìm ra giải pháp. Nâng cao hiểu biết về vai trò của nguồn cung cấp trầm tích cũng làm tăng sự quan tâm đến các giải pháp dựa vào tự nhiên. Tại đồng bằng Mississippi, các dự án chuyển dòng phù sa hướng tới khôi phục khả năng bồi đắp đất tự nhiên của các vùng đất ngập nước. Ở các đồng bằng khác, mọi hoạt động đều để tăng cường các biện pháp phòng vệ “mềm”. Mặc dù Việt Nam không làm được gì nhiều với các con đập của Trung Quốc nhưng Kế hoạch phát triển ĐBSCL hướng tới chấm dứt khai thác cát, khôi phục rừng ngập mặn và giảm mở rộng nuôi tôm ở các vùng đất ngập nước để ngăn chặn xói mòn và sụt lún.
Bangladesh đặt ra một kế hoạch phát triển đồng bằng mới bao gồm trồng rừng ngập mặn và một dự án thí điểm về lũ lụt có kiểm soát giúp trầm tích bồi đắp bờ biển. Giáo sư Munsur Rahman thuộc Viện Quản lý Nước và Lũ lụt ở Dhaka cho rằng nông dân kiểu truyền thống từng áp dụng hình thức lũ lụt có kiểm soát nhưng thâm canh nông nghiệp đã thay đổi tất cả và sẽ không dễ thuyết phục người nông dân hy sinh năng suất ngắn hạn cho sự bền vững lâu dài – một thách thức mà Việt Nam cũng phải đối mặt.
Hazra cho rằng khi hầu hết các châu thổ trên thế giới đang bị đe dọa, sự đánh đổi dường như là không thể tránh khỏi và chính quyền địa phương phải cân nhắc các lựa chọn phát triển về mở rộng đô thị và khai thác nước ngầm. Điều đó đòi hỏi “một dấu ấn khoa học tốt hơn về chính sách và các mô hình tư duy mới về phát triển”.
Nhật Anh (Theo Yale 360 Environment)