BVR&MT – Hình ảnh cây tre và các vật dụng sinh hoạt hằng ngày bằng tre đã gắn bó bao đời với người dân xã An Ninh Tây (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Mặc cho sự phát triển theo hướng cách tân hiện đại nhưng sẵn tình yêu với thiên nhiên, lại tận dụng được hiệu quả nguồn nguyên liệu bản địa như tre, nứa, trúc… và đón đầu xu hướng sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường đã thôi thúc người phụ nữ trẻ như chị Lê Thị Trâm (Giám đốc Công ty TNHH EGreen) mạnh dạn thực hiện ước mơ xanh của mình.
Xem thêm:
Trò truyện cùng Nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam đạt giải “Nobel xanh”
Bamboo Capital: Phát triển kinh tế phải song hành với phát triển cộng đồng
Hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả của Hợp tác xã Đồng Din
Mô hình điểm dinh dưỡng học đường: Giáo viên và phụ huynh mong muốn tiếp tục triển khai
TH tạo nguồn năng lượng xanh từ mái nhà trang trại công nghệ cao đạt kỷ lục thế giới
Sự ra đời EGreen gắn với bước ngoặt của người phụ nữ dám bứt phá
Vốn là một nữ Giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Quy Nhơn, chị Trâm đã từng rất nhiều lần hướng dẫn sinh viên của mình tham gia các cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp do Sở Khoa học – Công nghệ Bình Định tổ chức. Nhiều ý tưởng và đề tài thực tiễn đến với cuộc thi. Lần đó, tham gia cuộc thi, chị đã chọn sản phẩm ống hút được làm bằng tre và đề tài của nhóm chị được đánh giá rất cao, giành được giải 3 từ phía Ban tổ chức. Cuộc thi kết thúc cũng là lúc chị bén duyên, trăn trở với ý tưởng sản xuất các vật dụng sinh hoạt đời thường bằng mây, tre thay cho các sản phẩm làm bằng nhựa. Ngày đêm ươm mầm khát khao đó, năm 2019, chị Trâm quyết định tạm gác công việc giảng đường, một công việc đã gắn bó với cả một quãng thanh xuân của chị, cùng chị chắp cánh đào tạo ra bao tương lai thế hệ con người có ích cho xã hội để chuyên tâm nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm làm từ tre.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, chị Trâm cho biết:“Bản thân từng là giảng viên lại có kinh nghiệm lâu năm giảng dạy về chuyên ngành hóa học, tôi rất hiểu tác hại của các loại rác thải nhựa đối với môi trường sống. Chứng kiến mọi người hàng ngày sử dụng và thải ra các vật dụng bằng nhựa. Đặc biệt, là các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút nhựa, ly nhựa, chén nhựa, tô nhựa, tôi luôn trăn trở, lo lắng. Vì vậy, tôi quyết tâm định hướng cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm xanh thân thiện với môi trường thông qua các sản phẩm làm bằng tre”.
Hiện, công ty đang phát triển nhiêu dòng sản phẩm như : bút, nĩa, muỗng, ly uống nước, hộp đựng bút, ống đũa, rổ, rá, sàng, lồng bàn, sọt rác… Sau một thời gian sản xuất và tham gia các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, sản phẩm tre Egreen nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đối tác là đơn vị phân phối, bán lẻ cũng như các nhà hàng, khách sạn hướng đến phong cách cổ điển, truyền thống.
Đa dạng sản phẩm, lan tỏa “hồn quê”
Nếu như trước đây những vật dụng làm từ tre được cho là mộc mạc thì xu hướng ngày nay, nhiều người tiêu dùng lại ưa thích sự mộc mạc, dân dã đó. Đáp ứng nhu cầu của thị trường, Egreen đã phát triển thêm các sản phẩm vừa kết hợp thủ công sử dụng nhân lực con người 100% đồng thời, có sự hỗ trợ từ máy móc để thêm phần tinh xảo trên mỗi sản phẩm dùng để làm quà tặng như hộp đựng trà, gáo múc rượu, ly tre, rổ, lồng bàn, mẹt tre… Ðặc điểm của các vật dụng từ tre của Egreen là sản phẩm vừa mang tính mộc mạc, chân chất, vừa có tính thẩm mỹ cao, chắc và bền. Ðối với sản phẩm đựng thức ăn, nước uống sẽ được xử lý bằng cách luộc, phơi, phủ bóng bằng dầu dừa để đảm bảo an toàn cho người dùng. Để kịp tiến độ sản xuất, bên cạnh số nhân công hiện có, Egreen còn mở rộng hợp tác thêm với 2 hộ gia đình để phát triển thêm.
Ông Lưu Mạnh Hùng, một hộ dân ở thôn Ðịnh Trung 2 (xã An Ðịnh) bày tỏ: “Với tôi, các sản phẩm từ tre nứa luôn có một sức hút mãnh liệt. Do vậy, khi Công ty Egreen yêu cầu hợp tác làm các sản phẩm từ tre, tôi rất phấn khởi. Mặc dù lớn tuổi nhưng tôi không ngại học tập để làm ra những sản phẩm đẹp, chất lượng theo yêu cầu của khách một cách hoàn toàn thủ công”.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm làm từ tre, Egreen còn mạnh dạn đầu tư thêm các sản phẩm mới như nến thơm, son môi, xà phòng hữu cơ… khai thác nguồn nguyên liệu từ tự nhiên chủ đạo sáp ong rừng, dầu dừa,… Sáp ong là vật phẩm thường bị bỏ đi sau khi người dân lấy đi mật ong để bán. Do đó tận dụng nguồn nguyên liệu sáp ong an toàn tại địa phương vừa có giá thành rẻ lại vừa kiểm soát được chất lượng được xem là một giải pháp tốt.
Son môi hữu cơ hay còn gọi là son môi organic, sản phẩm được sản xuất hoàn toàn từ các thành phần thiên nhiên, không chứa các chất độc hại, không chứa chất bảo quản mỹ phẩm công nghiệp và các loại hương liệu hóa học. Quy trình để làm ra một thỏi son môi như này không hề đơn giản, từ việc chọn sáp ong đến nấu sáp và pha trộn các loại nguyên liệu để đảm bảo có được một thỏi son có màu sắc đẹp và bền là cả một quá trình và tâm huyết của người làm ra sản phẩm. Còn với sản phẩm với nến thơm từ sáp ong có hương thơm dịu nhẹ của tinh dầu giúp đuổi muỗi và làm dịu không khí sau một ngày làm việc vất vả.
Các sản phẩm handmade của Egreen vừa tốt và an toàn cho sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường. Tuy mới đưa ra thị trường nhưng được nhiều khách hàng đón nhận và phản hồi khá tốt về chất lượng đối với các sản phẩm handmade hữu cơ của Egreen.
Yêu tre, yêu nghề truyền thống của ông cha, những người dân nơi đây đặc biệt là Công ty TNHH Egreen đang từng bước sáng tạo nên những sản phẩm thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Đồng thời, thông qua sản phẩm tạo nên một không gian văn hóa đậm đà bản sắc. Cây tre, yếu tố dân tộc đang dần xuất hiện trở lại, song hành với đời sống hiện đại tạo nên một không gian sống xanh, có làng trong phố ở một Phú Yên thanh bình, mến khách.
Châu Phong