Nông sản bản Chiềng Ban II về TP Hà Nội

BVR&MT – Qua gần 3 năm triển khai chuyển đổi cơ cấu mô hình nông nghiệp. Mô hình sản xuất nông nghiệp của một số bà con ở xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã mang lại những kết quả tích cực, bước đầu tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống của bà con. Ngày 17/04, sản phẩm nông nghiệp của bà con đã có mặt tại TP Hà Nội.

Người nông dân bản Chiềng Ban II, xã Tú Nang, huyện Yên Châu với vườn dưa hấu.

Được biết xã Tú Nang của huyện Yên Châu, cách trung tâm huyện 21 km, địa hình chủ yếu là đồi núi, giao thông đi lại và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội còn khó khăn. Song với sự đồng thuận, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương, bà con đã đoàn kết một lòng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh theo vụ một số loại như: dưa hấu, dưa gang, dưa chuột, cây ăn lá và củ…

Sản phẩm nông sản bản Chiềng Ban II tại TP Hà Nội.

Ngày 17/04 vừa qua, Bà Nguyễn Thị Hồng – bản Chiềng Ban II, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, đại diện một số gia đình bà con dân tộc miền núi Bản Chiềng Ban II đã mang sản phẩm nông sản tới hội chợ Đặc sản vùng miền tại Công viên Hòa Bình, TP Hà Nội .

Trao đổi với với Phóng viên Tạp chí điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường, Bà Hồng vui mừng giới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương: Tôi đại diện cho một số bà con dân tộc miền núi ở bản Chiềng Ban II, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, ở đây để giới thiệu những sản phẩm nông sản mà chúng tôi đã vất vả chăm sóc được. Đây là tâm huyết của chúng tôi với mong muốn sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình trên mảnh đất quê hương.

Bà Hồng thông tin thêm, bà con đã quen với việc trồng rau từ nhiều năm nay, nhưng chỉ đơn thuần là phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Trồng rau theo kiểu có đất đến đâu thì trồng đến đó; việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật còn hạn chế, nên sản xuất nông nghiệp chỉ đủ dùng trong gia đình.

Khoảng 03 năm trước, Gia đình nhà bà Hồng cùng một số bà con trong bản Chiềng Ban II cùng nhau sản xuất nông nghiệp trên diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp khoảng 20 ha. Hiện nay, Bà con nông dân đang trồng một số loại cây như: cây chuối, dưa gang, dưa lê, một số diện tích trồng cây ăn lá và cây ăn củ theo mùa vụ.

Mô hình đã cho những kết quả nhất định, nhưng hiệu quả kinh tế chưa được cao. Một phần là chưa được tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến. Trong đó, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết còn hạn chế.

Mong muốn trong tương lai của bà con là trở thành một hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận rau hữu cơ. Được gia nhập Hiệp Hội hữu cơ Việt Nam để tiếp cận nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp.

Đại hội Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2022

Được biết, ngày 18/04, UBND huyện Yên Châu ra văn bản số 81/KH-UBND về kế hoạch phát triển hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn năm 2018 – 2020 trên địa bàn huyện.

 Văn Trì