Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay

BVR&MT – Tính từ tháng 3/2017, Chính phủ đã giao một số ngân hàng thương mại dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, do sản xuất nông nghiệp ẩn chứa nhiều rủi ro nên việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của người dân, doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24-4-2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, hộ nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Bởi tính đến tháng 6-2017, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 32.339 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng.

Một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại diễn đàn “Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch ứng dụng công nghệ cao” được tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, ông của Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước về nguồn vốn tín dụng ngân hàng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch cho biết:  việc triển khai cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch còn nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế thì Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi để doanh nghiệp vay vốn đầu tư nông nghiệp, nhưng để triển khai trên thực tế vẫn còn khoảng cách rất lớn. Bởi cho đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa biết đến gói tín dụng 100.000 tỷ dành cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  Có rất nhiều người dân và doanh nghiệp vẫn có chung câu hỏi: Tiếp cận như thế nào, thủ tục phải có những gì?. Thực tế, gói tín dụng 100.000 tỷ bao giờ triển khai, ai là đối tượng, vẫn còn câu hỏi chưa có lời giải đáp cụ thể.

Thậm chí ở nhiều địa phương, chính sách này chưa đi vào cuộc sống, bởi nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay. Điển hình như theo Ông Lê Văn Tưởng, Đại diện công ty TNHH giống cây trồng Thuận An ở xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cho biết: doanh nghiệp của ông chưa tiếp cận được vốn tín dụng cho phát triển kinh doanh cho nông nghiệp vì ở địa phương chưa được phổ biến sâu rộng về các chính sách tín dụng này để các công ty tìm hiểu. Bên cạnh đó, tài sản trên diện tích đất 2ha giống cây trồng của ông đã đầu tư có thể không được coi là tài sản để thế chấp hoặc bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực rất nhiều lần nên ông cũng chưa muốn tiếp cận nguồn vốn vay này.

Cần những giải pháp cụ thể

Trong kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN& PTNT) cho thấy, có tới 70,1% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, trong đó 49,4% cho biết rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho rằng: Nhu cầu về nguồn vốn trong phát triển nông nghiệp của các doanh nghiệp rất lớn tuy nhiên họ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng này. Nguyên nhân là do khâu thế chấp tài sản, đất thường là đất đi thuê, điều này sẽ gây khó khăn cho cả bên ngân hàng và bên doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp.

Bên cạnh đó, yêu cầu của đơn vị cho vay là thế chấp, trong khi đó tài sản được định giá khá thấp, không đủ quy mô. Chu trình cho vay dài. Các thiết bị đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp lại chưa được tính vào danh mục tài sản thế chấp, ví dụ như: lồng kính, nhà lưới… để thế chấp.  Đặc biệt, về thủ tục thế chấp thì cho vay vốn trong phát triển nông nghiêp cũng như tất cả các ngành khác, tuy nhiên trong nông ngành nông nghiệp phần lớn quy mô nhỏ hoặc cực nhỏ, vì thế những thủ tục để những doanh nghiệp này làm sẽ khó hơn so với các doanh nghiệp lớn ở những ngành kinh doanh khác.

Cũng theo ông Tuấn, để khắc phục những khó khăn trong vấn đề này: trước tiên cần làm rõ hơn và có quy định cụ thể về xác định giá trị tài sản của các doanh nghiệp phát triển nông nghiệp. Đơn cử như: Đất thuê có thể dựa trên giá trị đi thuê làm tài sản để cho vay vốn, hay những tài sản họ đầu tư trên đất đi thuê có thể dễ dàng được xác định là căn cứ để tiếp cận nguồn vốn. Do đó, việc xác định giá trị tài sản cần sát thực tế hơn, cách cho vay linh hoạt hơn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ tiếp cận nguồn tín dụng.

Mặt khác, điều quan trọng là làm sao để đẩy mạnh hình thức cho vay theo chuỗi dân sinh, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho phía ngân hàng, chi phí giám sát giảm và thuận lợi cho cả doanh nghiệp khi họ gắn kết với nhau chứng minh tài sản, chứng minh đề án có khả thi và giảm các rủi ro trong kinh doanh. Hơn nữa, còn cần đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm trong các doanh nghiệp, nó sẽ giúp ích tốt cho việc ngân hàng quản lý rủi ro.

Đông Nghi – Huy Thịnh